Hiện nay, tiến độ triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm vẫn rất chậm do nhiều nguyên nhân, từ vướng mắc về quy hoạch, nguồn vốn đầu tư, cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng... và đặc biệt là khung chính sách.
Hiện nay, tiến độ triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm vẫn rất chậm do nhiều nguyên nhân, từ vướng mắc về quy hoạch, nguồn vốn đầu tư, cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng... và đặc biệt là khung chính sách.
Đến nay, dự án cải tạo, xây dựng lại 16 nhà thuộc khu B Kim Liên (quận Đống Đa), mới đầu tư xây dựng được hai khu nhà B7-B10 bằng nguồn vốn ngân sách. Do điều kiện kinh phí hạn chế cùng với việc xóa bỏ bao cấp về nhà ở, thành phố không thể đầu tư cải tạo, xây dựng lại hàng loạt các khu chung cư cũ, xuống cấp mà chuyển sang hướng xã hội hóa. Trong đó, dự án khu B Kim Liên được TP xem là một trong 3 dự án thí điểm, giao cho Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng tổ chức nghiên cứu lập dự án cải tạo và xây dựng lại toàn khu.
Hiện tại, Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng đã được phê duyệt dự án, hoàn thiện hồ sơ hai nhà B4 và B14 Kim Liên để chuẩn bị đấu thầu khởi công. Tổng công ty cũng đang tiến hành sửa chữa tạm nhà B7, B10 cũ làm quỹ nhà tạm cư. Dự kiến sẽ công bố chi tiết phương án đền bù đến các hộ dân, tổ chức di chuyển các hộ đã chấp thuận phương án đền bù tạm cư trong tháng 12 này.
Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, hiện tại vẫn còn 25 hộ dân sinh sống trên phần diện tích cơi nới của sân nhà B7, B10 cũ. Việc di chuyển, tái định cư của các hộ dân này cũng tạo ra không ít khó khăn nếu không có sự hỗ trợ và chấp thuận, phê duyệt của thành phố về phương án GPMB. Cũng theo chủ đầu tư, nguyên tắc tái định cư cho các hộ dân được thể hiện ngay trong dự án cải tạo các khu chung cư cũ đồng bộ về hạ tầng, không có sự phân biệt hạ tầng kỹ thuật giữa các hộ tái định cư và các diện tích kinh doanh. Đồng thời, việc tính toán diện tích tái định cư dựa trên diện tích hợp pháp của các hộ đang sử dụng hoặc sở hữu, đảm bảo nguyên tắc kết hợp hài hòa 3 lợi ích người dân, doanh nghiệp và thành phố.
Điều đáng nói là nhiều dự án lớn, mang tính thí điểm khác như cải tạo khu tập thể lớn như Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Giảng Võ, khu A Ngọc Khánh... cũng đều rơi vào tình trạng tương tự. Sau nhiều năm khởi động, các dự án đều mới dừng ở khâu chuẩn bị. Thêm vào đó, chính sách khung của TP về cải tạo chung cư cũ cũng chưa được ban hành. Trong khi đó, hiện TP có tới 36 khu chung cư đang trong tình trạng xuống cấp, hư hại nghiêm trọng cần được cải tạo, xây dựng lại. Ngay cả dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân cũng đang gặp vướng mắc, chủ đầu tư đang chờ các chính sách khung để triển khai dự án...
Sẽ có chính sách khung
Để triển khai thuận lợi, Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất đã kiến nghị UBND TP sớm ban hành quy định một số cơ chế chính sách khung, thí điểm làm chỗ dựa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Chính sách khung đề cập đến tính công khai trong việc cải tạo, xây dựng. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch chi tiết, các cơ chế chính sách của dự án trong suốt quá trình đầu tư; chịu trách nhiệm với TP và sự giám sát của cộng đồng dân cư. Hơn nữa, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm quản lý, đảm bảo chất lượng đến cùng của dự án, tránh tình trạng, xây dựng, thu lợi nhuận rồi “đem con bỏ chợ”, mặc công trình xuống cấp, hư hại, mà không ai quản lý như trước đây. Mặt khác, cơ chế xét duyệt quy hoạch, cho vay vốn ưu đãi, và ứng vốn làm trước những khu chung cư cũ nát... sẽ được TP xem xét thực hiện.
(Theo KT&ĐT)