Bộ Xây dựng đang nỗ lực thực hiện minh bạch, công khai, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện; đẩy mạnh cơ chế phân cấp kết hợp tăng cường giám sát, kiểm tra trong thực hiện thủ tục hành chính; áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính...
Theo đó, Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (giảm 51%). Đồng thời, so với trước đây, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng cắt giảm được 25%. Cụ thể, thời gian cấp phép xây dựng giảm từ 7-10 ngày, thời gian thẩm định quy hoạch chi tiết giảm 5 ngày, thời gian kiểm tra nghiệm thu giảm 10-20 ngày. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã bước đầu áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập hạ tầng kỹ thuật thông tin như phần mềm, đường truyền, máy tính… qua đó, tạo tiền đề ứng dụng công nghệ thông tin cấp độ 3 trong việc cấp phép nhà thầu nước ngoài và cấp phép xây dựng.
Ngoài ra, để huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng cũng luôn chú trọng xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; khắc phục tư tưởng “nhà nước hóa”, “thị trường hóa” một cách cực đoan trong quản lý đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở và đô thị.
Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục.
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thiết lập các giải pháp đồng bộ để tiến tới cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính, thiết lập môi trường thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu cắt giảm thêm 5-10 thủ tục nữa. Cùng với đó, Bộ đề xuất Chính phủ lồng ghép một số thủ tục hành chính được chi phối, điều chỉnh bởi pháp luật khác nhau, thực hiện bởi các cơ quan chuyên môn khác nhau.
Chẳng hạn như, có 3 nội dung thẩm định trong thẩm định, thiết kế một dự án gồm: Thẩm định phòng cháy chữa cháy, thẩm định về xây dựng, thẩm duyệt về môi trường. Những nội dung này được chi phối và thực hiện bởi 3 cơ quan khác nhau. Do đó, Bộ đang đề xuất với Chính phủ tạo lập một cơ chế để lồng ghép 3 thủ tục này làm một.
Bộ Xây dựng cũng tính đến việc hợp nhất 2 thủ tục hành chính liền kề. Chẳng hạn, nếu được thực hiện bởi một cơ quan chuyên môn, giai đoạn thẩm định kỹ thuật và cấp phép xây dựng có thể hợp nhất làm một. Đối với phân cấp ủy quyền, tuy việc này không làm giảm thủ tục hành chính nhưng làm đơn giản hóa quy trình thủ tục cho người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với cơ quan chuyên môn ở địa phương thay vì phải lên Trung ương.
Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng: “Chúng tôi tiếp tục mạnh mẽ áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính và áp dụng cấp độ 3 không chỉ trong cấp phép xây dựng, cấp phép cho doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài mà cả cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng. Đồng thời, công khai hóa các thông tin, hệ thống thống kê, cụ thể là công khai các số liệu các kỳ họp, các thông số để người dân dễ dàng tiếp cận khi xây dựng các dự án cũng như xây dựng nhà”.