Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Quyết định số 232/QĐ-TTg về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050.
Theo quy hoạch được duyệt, tổng diện tích khu vực quy hoạch vào khoảng 2.171,33km2, gồm diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn (diện tích vùng biển khoảng 1.589,5km2, diện tích đất là 581,83km2). Dự kiến, đến năm 2030, quy mô dân số Khu kinh tế Vân Đồn từ 140.000-200.000 người, đến năm 2040 tăng lên mức 300.000-500.000. Khu kinh tế này sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030 và khoảng 6,0-9,5 triệu lượt năm 2040.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trên cơ sở rà soát và kế thừa những yếu tố hợp lý của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đã được duyệt bởi Thủ tướng tại Quyết định số 1296/QĐ-TTg, ngày 19/8/2009 để đánh giá các định hướng chiến lược của quốc gia, của tỉnh Quảng Ninh đối với huyện Vân Đồn. Đồng thời, khai thác và phát triển tối ưu các tiềm năng, quỹ đất từng khu vực, đề xuất hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các khu chức năng hợp lý cho Khu kinh tế Vân Đồn.
|
Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn vừa được Thủ tướng phê duyệt. (Trong ảnh: Cảng Cái Rồng ở huyện Vân Đồn). |
Nội dung nghiên cứu quy hoạch Khu kinh tế Vân Đồn sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, ngày 18/6/2014 và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 6/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng và làm rõ một số nội dung.
Cụ thể, phân tích và đánh giá các đặc điểm tự nhiên về địa chất, thủy văn, khí hậu, địa hình, cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch của Khu kinh tế Vân Đồn cũng như các khu vực phụ cận có ảnh hưởng tới định hướng phát triển khu kinh tế. Mặt khác, trên cơ sở phân vùng xây dựng không thuận lợi, thuận lợi và cấm xây dựng, đánh giá chi tiết về quỹ đất xây dựng.
Bên cạnh đó, nội dung nghiên cứu cũng bao gồm đánh giá tổng quan tình hình phát triển kinh tế xã hội của Vân Đồn và tỉnh Quảng Ninh; đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường gồm chuẩn bị kỹ thuật, cấp nước, giao thông, thoát nước thải, chiếu sáng, cấp điện, nghĩa trang, xử lý chất thải rắn... trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch. Cùng với đó, xác định những tồn tại về hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế để đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Vào ngày 27/12/2018, Quyết định số 1856/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050 đã được Thủ tướng ký ban hành. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị thông minh, đô thị biển đảo xanh, hiện đại; là trung tâm văn hóa, kinh tế của khu vực. Mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 10% giá trị xuất khẩu. Trong các năm 2020, 2021-2025, 2026-2030, tốc độ tăng dân số bình quân tương ứng là 6%, 11% và 8%.
Về tầm nhìn đến năm 2050, Vân Đồn sẽ được xây dựng, phát triển thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong "top" các thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu kinh tế Vân Đồn phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ, phát triển thành phố thông minh, hiện đại, hấp dẫn cư dân tới sinh sống, làm việc, vui chơi hòa hợp với thiên nhiên.