Đa số các đại biểu đều đồng tình với việc đánh thuế đất nhưng vẫn còn băn khoăn khoản thuế đánh vào nhà ở.
Đa số các đại biểu đều đồng tình với việc đánh thuế đất nhưng vẫn còn băn khoăn khoản thuế đánh vào nhà ở.
Ngày 19-1, tại TPHCM, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thuế nhà đất, nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2012. Tại hội thảo, rất nhiều chuyên gia đã đưa ra những ý kiến trái chiều về việc áp dụng luật thuế này trong thực tế cuộc sống.
Băn khoăn thuế chồng thuế
Một trong những người đầu tiên đăng đàn góp ý cho dự thảo, chuyên viên kinh tế Lê Văn Tứ cho rằng dự thảo Luật Thuế nhà đất là một loại thuế rất mới và chưa có thông lệ từ xưa tới nay ở nước ta. Sở dĩ nhiều năm qua, chúng ta không thu thuế nhà ở không phải vì dân còn nghèo mà vì thuế nhà ở chưa đủ cơ sở kinh tế, không phù hợp với nền kinh tế hiện nay.
Muốn làm tốt việc này cần có những tài liệu điều tra và thời gian để nghiên cứu một cách nghiêm túc, nếu vội vàng sẽ không tốt. Bởi theo ông Tứ, việc sử dụng nhà để ở là hành vi tiêu dùng không tạo ra thu nhập. Nhà là tài sản một đời người tích cóp, tức là của cải còn lại sau khi người dân đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân.
Việc thu thuế nhà gây mâu thuẫn vì thu nhập đã trừ thuế, mua sắt thép, xi măng xây nhà cũng bị tính thuế, mua đất cũng phải đóng tiền sử dụng đất..., nay sở hữu nhà lại đóng thuế dẫn đến thuế chồng thuế.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện, Phó Khoa Kinh tế luật - Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng dự thảo Luật Thuế nhà đất chưa phân biệt được bản chất của việc thu thuế. Ở các nước phát triển, thuế tài sản chỉ đánh vào thành phần trung lưu trở lên chứ không cào bằng tất cả các thành phần. Ông Điện cho rằng chỉ nên đánh thuế đối với 2 trường hợp: người giàu có nhiều tài sản hoặc tài sản có khả năng sinh lợi.
Dù chưa đồng tình với việc thu thuế nhà ở nhưng các đại biểu lại đồng tình với việc đánh thuế đất. Bày tỏ quan điểm của mình, luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Đoàn Luật sư TPHCM, nhấn mạnh việc ủng hộ việc đánh thuế đất vì việc truy thu này có cơ sở.
Còn đối với thuế nhà ở, luật sư này phản đối thu bởi lẽ quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo nên rất nhiều đối tượng trốn thuế bằng cách khai gian tài sản, dẫn đến việc truy thu thuế nhà có nhiều sơ hở, không bảo đảm công bằng, lại gây tranh cãi.
Ông Liêm phân tích thêm, mục đích của thuế nhà đất đang nhắm vào đối tượng có nhiều bất động sản nhằm chống đầu cơ. Tuy nhiên, tình trạng đầu cơ diễn ra một phần là do lỗi quản lý của Nhà nước, không đủ lực điều tiết sở hữu toàn dân. Nhà nước sửa lỗi quản lý kém bằng việc cào bằng thu thuế nhà đất là chưa ổn, không phải giải pháp lâu dài.
Nhiều ý kiến trái ngược
Chủ trì buổi hội thảo, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng việc thu thuế nhà đất chỉ là vấn đề thời gian và phương pháp chứ không thể không áp dụng. Bởi lẽ, nguồn thu từ thuế hiện nay còn hạn chế, không đủ để phát triển hàng loạt nhu cầu hạ tầng và ổn định xã hội.
Ông cho hay thuế thu nhập cá nhân hiện chỉ thu được 400.000 người, 1,5 triệu hộ kinh doanh, 320.000 doanh nghiệp trên cả nước. Trong khi đó, nếu áp dụng thuế nhà đất có thể thu được từ 11 triệu hộ dân, có thể kỳ vọng sử dụng nguồn thu này giải quyết nhu cầu phát triển của địa phương và tăng số lượng nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp...
Cũng theo ông Tuấn, hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc thu thuế nhà đất. Thứ nhất, đồng tình áp dụng đánh thuế nhà đất kèm theo ngưỡng giới hạn và chỉ rõ đối tượng, chế tài. Thứ hai, chưa đồng tình thu thuế nhà và cho rằng chỉ nên thu thuế đất là đủ. Thứ ba, cần nghiên cứu, điều tra, vận động ý thức rồi dần dần áp dụng sau...
Qua hội thảo, đa số các doanh nghiệp và giới luật sư đều đồng tình cần phải có Luật Thuế nhà đất và nhanh chóng áp dụng đúng tiến độ vào ngày 1-1-2012. Khi áp dụng luật thuế này sẽ góp phần chống đầu cơ, tránh tình trạng nhà đất dồn quá nhiều vào tay một đối tượng trong khi đa phần người dân phải ở thuê hoặc trong những điều kiện không bảo đảm điều kiện sống.
Thế nhưng, nhiều đại biểu cũng lo ngại rằng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì Luật Thuế nhà đất có thể dẫn đến sự chồng chéo với Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Nhà ở, Luật Đất đai dẫn đến nguy cơ lạm thu. Chưa hết, việc đánh thuế nhà đất khi áp dụng cần công khai, minh bạch và không ưu ái cho bất cứ một đối tượng nào để người bị áp thuế tâm phục, khẩu phục.
(Theo NLĐ)