Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra các khu đất đã được giao đất, cho thuê đất đã góp phần tích cực trong việc ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật về đất đai...
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra các khu đất đã được giao đất, cho thuê đất đã góp phần tích cực trong việc ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật về đất đai, từng bước đưa công tác quản lý và sử dụng đi vào nền nếp, hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng dự án vi phạm về quản lý đất đai, nhất là để hoang hóa kéo dài, sử dụng sai mục đích... vẫn diễn ra, gây lãng phí cho Nhà nước và xã hội. Vì vậy, cần mạnh tay xử lý các khu đất vàng hiện đang để hoang hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất của các chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ năm 2009 đến 2013, các đơn vị chức năng của thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 920 dự án. Các dự án được thanh tra, kiểm tra gồm: các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng thực hiện chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt; dự án chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính và các dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, gần 300 dự án có dấu hiệu vi phạm đã được chủ đầu tư khắc phục, tập trung triển khai thực hiện để đưa đất vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng đã kiến nghị UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi đối với 47 dự án, với tổng diện tích gần 1.800 ha, trong đó riêng năm 2013 có 13 dự án bị thu hồi, với diện tích gần 9,7 triệu m2... Tuy nhiên, tình trạng các dự án vi phạm Luật Đất đai, sử dụng đất sai mục đích, chậm triển khai, nhất là nhiều khu đất "vàng" để hoang hóa kéo dài vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Điển hình như các lô đất D1, D3, D5 trong khu đấu giá quyền sử dụng tại phường Phú Thượng, Xuân La (quận Tây Hồ), các lô đất dọc đường Dương Đình Nghệ, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân)... để hoang hóa kéo dài, nhưng việc xử lý vi phạm gặp không ít khó khăn, phức tạp.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa chỉ rõ, nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm đất đai là các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất khi bị thanh tra, kiểm tra không hợp tác hoặc chậm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan. Trong khi đó, các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa rõ, gây khó khăn cho việc áp dụng, khung xử phạt các lỗi vi phạm quá thấp, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài... Việc thiếu cơ chế tài chính đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm, nhất là những dự án đã được giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư, triển khai một phần, dẫn đến việc thu hồi đất rất khó xử lý triệt để, có thể gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi.
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về đất đai tại các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng trên địa bàn thành phố trong thời gian từ năm 2009 đến 2013. Thời gian thực hiện từ tháng 1 đến hết tháng 5-2014. Thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhằm sớm đưa đất vào sử dụng có hiệu quả; xử lý, khắc phục các trường hợp chậm giải phóng mặt bằng, chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ thực hiện dự án, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, sử dụng sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai...
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp các đơn vị đã tiến hành phân loại, kiểm tra hơn 770 dự án tiến hành trong đợt này thành các nhóm như chậm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, để hoang hóa, không sử dụng đất sau 12 tháng kể từ khi bàn giao đất trên thực địa, tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được duyệt, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng trái phép... Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho đến nay các cơ quan chức năng đã phân loại dự án kiểm tra theo mức độ vi phạm, gồm nhóm các trường hợp kiểm tra hồ sơ, đôn đốc thực hiện, nhóm các trường hợp phải kiểm tra toàn diện, làm rõ nguyên nhân vi phạm, đề xuất hướng khắc phục và nhóm các trường hợp phải tổ chức thanh tra toàn diện. Các đoàn kiểm tra đã được thành lập và đang khẩn trương tiến hành làm việc tại các địa phương. Qua kiểm tra thực tế, bước đầu có thể đánh giá công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra phát hiện một số chủ đầu tư năng lực tài chính yếu hoặc cố tình chây ỳ không thực hiện dự án, chỉ giữ đất để chờ có lợi là tìm cách chuyển nhượng để trục lợi...
Để hạn chế dự án chậm triển khai, để hoang hóa, thành phố cần chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh việc lập và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để làm cơ sở xem xét các dự án phải chờ quy hoạch trong thời gian qua. Kiên quyết thu hồi đất đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện dự án, năng lực tài chính yếu kém để ưu tiên đầu tư các công trình công cộng hoặc tìm đối tác để chuyển nhượng, hợp tác. Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án được gia hạn tiến độ.
Theo Nhân dân