Theo bà Phạm Thị Vân Anh (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Thông tư 22 sẽ tác động nhất định tới thị trường địa ốc. Thế nhưng, để có thể hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đưa ra lộ trình phù hợp.
Bàn về nguồn vốn tín dụng bất động sản, đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, thị trường nhà đất đang đón nhận rất nhiều dòng vốn như vốn tín dụng ngân hàng, vốn chủ đầu tư, vốn FDI, vốn từ thị trường chứng khoán. Trong đó, vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng.
Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 9 năm nay, bao gồm cả dư nợ tín dụng phục vụ kinh doanh địa ốc và tiêu dùng bất động sản tăng 16% so với năm ngoái. Đáng chú ý, dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản chiếm đến khoảng 70%.
|
Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trao đổi về Thông tư 22/2019/TT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và chinh nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực vào đầu năm sau, bà Vân Anh chỉ rõ hai tiêu chí sẽ tác động tới thị trường địa ốc.
Thứ nhất, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư trung, dài hạn: Thông thường, khoản cho vay bất động sản là khoản trung và dài hạn. Tuy nhiên, vốn huy động của ngân hàng thường ngắn hạn. Ngân hàng Nhà nước thời gian qua muốn giảm dần khoản ngắn hạn cho đầu tư trung và dài hạn.
Theo bà Vân Anh: "Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiên cứu và rất thận trọng trong điều chỉnh hệ số này. Thông tư 22 đưa ra lộ trình trong 3 năm điều chỉnh giảm hệ số này xuống 40%, đến năm 2022 giảm xuống còn 30%".
Thứ hai, hệ số rủi ro áp dụng với các khoản cho vay bất động sản: Yếu tố này cũng tác động tới thị trường nhà đất song không nhiều. Hệ số áp dụng đối với các khoản vay kinh doanh địa ốc vẫn được giữ nguyên là 200% từ Thông tư 36.
Theo thông tư mới sẽ giữ nguyên hệ số rủi ro là 50% đối với khoản cho vay nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cá nhân có mức vay từ 1,5 tỷ đồng trở xuống.
Trong khi đó, sẽ áp dụng hệ số là 150% đối với khoản cho vay cá nhân có dư nợ từ 4 tỷ đồng trở lên. Vậy nhưng, theo lộ trình thì năm 2020 áp dụng 120%, sang năm 2021 áp dụng hệ số 150%.
Bà Vân Anh nhận định, Thông tư 22 ít nhiều sẽ tác động tới thị trường nhà đất. Tuy vậy, để hạn chế tối đa rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra lộ trình hợp lý. Các chủ đầu tư, nhà đầu tư nên tích cực huy động các nguồn vốn khác để giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.