Từ quán nhậu, shop thời trang đến các trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM đua nhau phô trương, giăng áp phích, đề can, các biển quảng cáo, gây nhếch nhác mỹ quan đô thị.
Từ quán nhậu, shop thời trang đến các trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM đua nhau phô trương, giăng áp phích, đề can, các biển quảng cáo, gây nhếch nhác mỹ quan đô thị, mất an toàn cho người đi đường, bất chấp quy định về quảng cáo.
Bát nháo
Từ khi sở hữu căn nhà mặt tiền bốn tầng trên đường Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh), gia đình anh Trần Quang Vinh không còn “lăn tăn” chuyện mưu sinh.
Cho trung tâm ngoại ngữ gần đó thuê bức tường và sân thượng căn nhà đặt bảng quảng cáo, gia đình anh Vinh thu hơn 500 triệu đồng/năm. “Mọi thủ tục, tiền thuế… người thuê lo” - anh Vinh cho biết.
Tại vòng xoay An Lạc, ngã sáu Cộng Hòa, ngã sáu Dân Chủ, đường Trường Sơn… đều dày đặc bảng quảng cáo. Cái to, cái nhỏ, cái cao, cái thấp, nhấp nhô.
Dọc Xa lộ Hà Nội, đoạn từ ngã tư Bình Thái đến cầu Sài Gòn chỉ dài hơn 6km nhưng có gần 200 biển quảng cáo lớn nhỏ. Càng vào trung tâm, quảng cáo càng dày đặc hơn. Dày đặc nhất là khu vực nút giao thông Hàng Xanh.
Bảng quảng cáo xếp tầng tầng, lớp lớp, quảng bá đủ thứ, từ bột giặt, dầu gội đầu đến vật liệu xây dựng, vỏ xe… có biển sơn trắng, khung xương rỉ sét, loang lổ.
Tại shop thời trang Q.C trên đường 3 Tháng 2 (quận 10), tuy phía trước cửa hàng đã treo tấm biển quảng cáo khổ lớn nhưng chủ cửa hàng vẫn tận dụng không gian giăng thêm tấm áp phích giảm giá, khuyến mãi trải dài từ tầng hai xuống tầng trệt nhằm thu hút khách.
Tại vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), biển hiệu của Trường Anh ngữ Quốc tế Âu-Mỹ to hơn kích thước căn nhà dù theo quy định, kích thước tối đa của một biển hiệu quảng cáo là 1,2x8m...
Sáu tháng phạt 3 tỷ đồng
Dọc theo đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) có hàng chục biển quảng cáo lớn nhỏ nằm xen cài trong khu dân cư. Nhiều biển quảng cáo không ghi thời hạn, số giấy phép, chủ sở hữu.
Mới đây, làm việc với đoàn giám sát HĐND TPHCM, ông Đinh Hoàng Linh, cán bộ Phòng Văn hóa quận 10 cho biết, theo quy hoạch, tuyến đường Tô Hiến Thành có 6 biển quảng cáo.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, địa phương phát hiện tuyến đường này có đến 10 biển quảng cáo, trong đó có 8 biển quảng cáo không phép.
“Mỗi tuần, Phòng Văn hóa quận 10 phát hiện ít nhất 20 biển quảng cáo treo dọc đường không có phép. Tuy nhiên, cái khó là chúng tôi không biết ai là chủ nhân để buộc họ phải tháo dỡ. Quận không đủ người và đủ tiền để thuê người bên ngoài tháo dỡ” - ông Linh nói.
Theo Chánh thanh tra Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TPHCM Châu Quốc Dũng, danh sách quảng cáo không phép ngoài trời do Thanh tra Sở lập hiện rất dài.
Từ đầu năm 2012 đến nay, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hàng loạt công ty có quảng cáo không phép, sai quy định với số tiền phạt 3 tỷ đồng. Trong đó, có 18 công ty vi phạm từ 3 lần trở lên, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái phạm và chây ì trong việc nộp phạt.
“Hiện nay, doanh nghiệp quảng cáo có giấy phép nếu vi phạm còn bị phạt nặng hơn một quảng cáo không phép. “Cứ một mét vuông vi phạm doanh nghiệp sẽ bị phạt 2 triệu đồng, tối đa không quá 40 triệu đồng. Còn quảng cáo không phép, phạt tối đa là 20 triệu. Doanh nghiệp quảng cáo không sợ bị phạt”- ông Dũng cho biết.
Theo một số chuyên gia đô thị, TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch về quảng cáo đồng thời tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm để lập lại trật tự mỹ quan đô thị. Trước mắt, thành phố cần buộc các doanh nghiệp khi xin phép dựng quảng cáo phải ký quỹ để dùng cho việc tháo dỡ khi hết hạn...
(Theo Tienphong)