Những dự án, công trình chậm tiến độ trên địa bàn TP HCM đang thực sự gây ra những lãng phí lớn, đồng thời tạo tiền lệ không tốt đối với dư luận xã hội.
Những dự án, công trình chậm tiến độ trên địa bàn TP HCM đang thực sự gây ra những lãng phí lớn, đồng thời tạo tiền lệ không tốt đối với dư luận xã hội. Ngay cả Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân trong cuộc họp kiểm điểm tình hình kinh tế TP quý 1/2012 cũng... bức xúc khi điểm mặt những dự án “rùa” của TP.
Chỉ nêu ra một trong rất nhiều dự án rùa trên địa bàn TP, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng, dự án Nhà hát Trần Hữu Trang, đã được TP phê duyệt và bố trí vốn từ năm 2009, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011. “Thế nhưng, làm hoài không xong và nóng lòng nên tôi đích thân tới hiện trường thì thấy khu đất đang được cho thuê bán gốm”.
Điểm mặt những dự án “rùa”
Dự án Trần Hữu Trang mà ông Quân nhắc đến có vốn đầu tư dự kiến 78 tỉ đồng, nhưng do chậm tiến độ nên bây giờ chi phí đã đội lên 120 tỉ đồng. Điều đáng bàn, theo ông Quân, dự án “rùa” còn do cách quản lý hồ sơ dự án của các sở ban ngành. Cụ thể, hồ sơ của dự án Nhà hát Trần Hữu Trang ban đầu nằm ở Sở Xây dựng, sau đó đẩy qua Sở VH-TT-DL rồi lại về Sở Xây dựng. Theo ông Phan Quốc Hùng - GĐ Nhà hát Trần Hữu Trang: “Phải đợi tới năm 2012 mới hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và ngày khởi công xây dựng chưa biết phải đợi tới bao giờ”.
Tương tự phải kể tới dự án siêu “rùa” là khu đô thị (KĐT) “treo” Bình Quới - Thanh Đa. Dù đã được phê duyệt quy hoạch thành KĐT kiểu mẫu từ năm 1992, nhưng 20 năm sau nơi này vẫn chỉ là một khu dân cư nghèo nàn. Nguyên nhân chính dẫn tới sự chậm trễ này là năm 2004, để xóa quy hoạch “treo” thành phố đã ban hành quyết định thu hồi, tạm giao đất cho TCty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án. Ngày 13/11/2006, Sở Tài nguyên- Môi trường TP HCM và UBND Q Bình Thạnh đã có văn bản nhận định TCty Xây dựng Sài Gòn “không đủ năng lực đầu tư dự án, không có quỹ nhà tái định cư”, đồng thời kiến nghị UBND TP HCM thu hồi quyết định tạm giao đất cho đơn vị này trong khi văn bản giao đất vẫn còn hiệu lực.
Để tránh nguy cơ bị thu hồi dự án, chủ đầu tư đã tìm kiếm một số đối tác để cùng hợp tác đầu tư, khai thác. Cuối cùng bốn Cty là: Cty CP Hoàng Anh Gia Lai, Sacomreal, Sacombank, Cty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc đã cam kết góp vốn cùng TCty Xây dựng Sài Gòn thực hiện dự án. Tuy nhiên, ngày 7/8/2007, Văn phòng HĐND và UBND TP HCM đã ra thông báo số 545/ TB- VP về việc đã có chủ trương đấu thầu dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa mà không đề cập gì tới chủ đầu tư cũ là TCty Xây dựng Sài Gòn. Đã hơn 5 năm, kể từ 2007, dự án này dường như đang bị lãng quên.
Hàng ngày, hàng giờ TP đang mất một khoản tiền khổng lồ từ lãng phí “đất vàng”. Cụ thể, hiện TP đang để lãng phí hàng triệu m2 đất do các Cty, tập đoàn quản lý, sử dụng sai mục đích. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường, chỉ tính riêng đất do tập đoàn, TCty đang quản lý sử dụng trên địa bàn TP hiện nay là 410 khu đất với tổng diện tích hơn 6,3 triệu m2, trong đó chỉ có 2,5 triệu m2 (chiếm 39%) là đất sử dụng đúng mục đích. Đất để hoang và đầu tư chậm hơn 3,7 triệu m2. Đất cho mướn, đang tranh chấp hơn 10.000m2, đất cho thuê trái pháp luật là 24.000m2.
Muộn còn hơn không
Theo ông Đào Anh Kiệt - GĐ Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, trong số đất do các tập đoàn và TCty quản lý sử dụng sai mục đích, điển hình nhất là nhều DN đem cho thuê lại trái pháp luật với diện tích lên đến hàng ngàn m2. “Sở dĩ có tình trạng này là do pháp luật không minh bạch rõ ràng giữa cho thuê lại đất với với cho thuê tài sản trên đất, nên trong thực tiễn xử lý còn thiếu thống nhất. Đặc biệt giá đất thuê còn mang nặng tính bao cấp, nhất là đối với quỹ nhà, đất có nguồn gốc công sản. Giá thuê thực tế thấp hơn giá thị trường nhiều lần” - ông Kiệt cho biết. Ông này cũng chỉ đích danh những đơn vị hưởng lợi từ việc cho thuê lại đất để hưởng chênh lệch như: TCty Thủy sản VN cho thuê hơn 9.500 m2, TCty Lương thực Sài gòn cho thuê 4.300 m2, TCty Gia cầm Miền Nam cho thuê 2.500 m2.
Bà Đào Thị Lan Hương - GĐ Sở Tài chính TP HCM chia sẻ: Thời gian qua, TP đã yêu cầu các đơn vị tổ chức có đất kê khai được 10.535 cơ sở nhà, đất với diện tích 232,5 triệu m2 đất. Dù con số sử dụng thực tế lãng phí là khá lớn, song tính từ năm 2002 đến nay mới chỉ thu hồi được gần 200 cơ sở nhà, đất, với diện tích khoảng 650.000 m2. Nhiều DN sử dụng không đúng mục đích nhưng khi lập phương án xử lý thì lại tìm cách đối phó, thậm chí còn kiện ra tòa để đòi lại đất.
Ông Quân cho biết lỗi lớn nhất chính là sự vô trách nhiệm của các sở, ngành theo kiểu cha chung không ai khóc. “Các dự án do quận, huyện làm thường nhanh và chất lượng hơn sở, ngành và dường như lãnh đạo các sở, ngành xem các dự án chậm tiến độ không phải của mình. Các sở, ngành phải kiểm điểm trách nhiệm của mình. Nếu cứ đùn đẩy mà không ngồi lại tháo gỡ thì khó sẽ chồng khó” - ông Quân nói.
(Theo DĐDN)