UBND TP HCM đã xây dựng danh mục 14 dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011-2015.
Một loạt dự án giao thông nội đô lớn được thành phố "chào hàng" với tổng số vốn lên đến hàng tỷ USD như: tuyến xe điện mặt đất số 1 (Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây); tuyến Monorail số 2 (Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm), tuyến Monorail số 3 (ngã sáu Gò Vấp - Công viên phần mềm Quang Trung - Tân Thới Hiệp); tuyến đường sắt đô thị số 6 (Bà Quẹo - Vòng xoay Phú Lâm); đường trên cao tuyến số 1, 2, 3; mở rộng quốc lộ 22 (đường Xuyên Á).
Đây là những dự án thành phố dự kiến mời gọi đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hoặc PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân cùng làm).
Các dự án hạ tầng được kêu gọi đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) như: xây dựng đường Kênh 5, đường Kênh 7, đường Kênh 8, đường nối Kênh 5 với Kênh 7. Ngoài ra, thành phố cũng mời gọi sự đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thủy lợi gồm 2 dự án là bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị Thủ Thiêm) và đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến sông Kinh).
Trước đó, tại lễ tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012, ngành giao thông vận tại TP HCM có kế hoạch sẽ xây mới thêm một triệu m2 đường, khởi công nhiều cây cầu. Trong đó tập trung hoàn thiện các trục giao thông hướng tâm, khai thông tuyến cửa ngõ, giải quyết vấn đề dân sinh. Song do thiếu vốn đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm được cho là hai vấn đề tồn tại kéo dài của ngành giao thông TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tại buổi làm việc với Ban giám sát kinh tế ngân sách HĐND TP HCM mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết hiện Sở thực hiện 16 công trình giao thông trọng điểm, song rất nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc chưa thể triển khai vì thiếu vốn.
Theo ước tính của ngành giao thông vận tải thành phố, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông của thành phố năm 2012 lên đến 46.800 tỷ đồng (gấp đôi năm 2011) nhưng chỉ có thể huy động được gần 41.200 tỷ, thiếu hụt khoảng 5.600 tỷ đồng.
Để giải quyết vấn đề vốn, TP HCM chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách. Trong 5-10 năm tới, thành phố dự kiến triển khai thêm hơn 40 dự án cơ sở hạ tầng theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 85.880 tỷ đồng và 6.100 triệu USD, 10 dự án BT kết hợp BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 78.500 tỷ đồng và 620 triệu USD.
(Theo VnExpress)