Theo thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM, sau 1 năm hợp nhất, TP nhận thấy thực tế rằng, trong khi khối lượng hồ sơ giải quyết của các chi nhánh quận, huyện ngày càng tăng thì đội ngũ viên chức, người lao động lại không thể tăng tương ứng để giải quyết cho kịp thời.
Sau hơn 1 năm Tp.HCM hợp nhất hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP và 24 văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận - huyện thành hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp, công tác đăng ký đất đai lại phát sinh nhiều vướng mắc. Bởi vậy, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận đối với nhà đất của cá nhân bị ách tắc, chậm trễ.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Bình – người dân Phường 4, Quận 8 - là một ví dụ. Ông Bình đã nhiều lần đến UBND Quận xin tách sổ với hơn 60m2 đất mà gia đình ông đang ở. Song dù đi lại nhiều lần nhưng ông vẫn chưa được giải quyết bởi câu trả lời từ cán bộ tiếp nhận hồ sơ vẫn chỉ là “còn thiếu giấy tờ”.
Hồ sơ thì ngày một nhiều lên trong khi nhân lực giải quyết số lượng ít,
không đáp ứng kịp nhu cầu người dân TP
Ngày 1/7/2015, 24 văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh từ các huyện đổ về 1 cấp khiến hệ thống trở nên lúng túng, bị động. Thực tế, sau 3 tháng hợp nhất, số lượng hồ sơ trễ hẹn đã lên đến 60%. Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 136 nghìn trường hợp hồ sơ được giải quyết sang tên đổi chủ hay thay đổi hiện trạng nhà của 24 chi nhánh.
Thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM cho thấy, sau 1 năm hợp nhất, khối lượng hồ sơ giải quyết của các chi nhánh quận, huyện ngày càng tăng trong khi đội ngũ viên chức, người lao động thì không thể tăng tương ứng với khối lượng tăng lớn của hồ sơ như vậy được.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Quận 8 cho rằng, chỉ trong 1 năm qua, lượng hồ sơ mà Văn phòng đăng ký đất đai quận tiếp nhận rơi vào khoảng 2.400 hồ sơ. Dù đơn vị phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận đã bố trí người làm nhiệm vụ, tuy nhiên việc chậm trễ hồ sơ của người dân theo quy định là khó tránh khỏi vì lượng hồ sơ quá lớn, người giải quyết lại không đủ để thực hiện.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM bày tỏ, Nghị định 43 có một số điểm chưa hợp lý như việc xác định thẩm quyền chứng nhận trên Giấy chứng nhận gốc khi bổ sung tài sản, cấp mới Giấy chứng nhận, chứng nhận trên Giấy chứng nhận gốc khi đổi chủ…
Do đó, Sở đã đề nghị Bộ TN&MT điều chỉnh quy định pháp luật để không tồn tại tình trạng khi giải quyết hồ sơ mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản lại được chọn 2 hình thức thực hiện thủ tục có giá trị pháp lý như nhau trong khi các yếu tố về thẩm quyền, hình thức và quy trình lại khác nhau.
Trong thời gian TP chưa ban hành quy định về quy trình giải quyết thủ tục và cơ chế liên thông, phối hợp giữa các cơ quan theo Điều 62, Nghị định 43, vẫn có nhiều bất cập về thời gian giải quyết hồ sơ bởi hiện nay, một số quận, huyện còn giữ cách làm cũ, chưa thống nhất thực hiện theo các quy định mới của Luật Đất đai năm 2013.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM kiến nghị UBND TP đề nghị với Bộ TN&MT sửa đổi quy định pháp luật theo hướng, cho TP được thí điểm giao cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện ký cấp Giấy chứng nhận mới khi có sự thay đổi và sử dụng con dấu của chi nhánh khi ký cấp Giấy chứng nhận.
Các ngành chức năng và chính quyền 24 quận, huyện TP cũng đẩy mạnh triển khai phần mềm ISO điện tử về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai để giải quyết thủ tục nhanh chóng, minh bạch cho người dân.