Dự án xóa nhà ổ chuột ven 67 tuyến kênh tại Tp.HCM đã trải qua 23 năm (kể từ năm 1993) nhưng đến nay, chẳng những không xóa được nhà ổ chuột mà còn “mọc” thêm cả ngàn căn mới.
Nhiều khó khăn trong triển khai dự án
Trong suốt 23 năm thực hiện xóa nhà ổ chuột, hiện có gần 35.600 hộ được di dời, tái định cư. Song, so với con số 20.000 nhà ổ chuột còn tồn tại thì con số này chưa thật sự có nhiều ý nghĩa.
Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, đa phần các nhà ổ chuột tại TP hiện nay đều là xây dựng trái phép hoặc không được cấp phép. Các nhà ổ chuột này cũng không được đảm bảo các tiêu chí về an toàn nhà ở. Đặc biệt, nhiều hộ dân sinh sống tại các khu vực này phải “câu” điện từ những hộ gia đình khác, mọi rác thải sinh hoạt đều xả trực tiếp xuống kênh, gây tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh. Việc những hộ dân này sinh hoạt không có nước sạch cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe các thành viên trong gia đình.
Quận 8 hiện có số lượng nhà ổ chuột nhiều nhất với hơn 9.500 căn nhà ổ chuột ven kênh rạch. Những căn nhà như trên tồn tại chủ yếu ở các tuyến kênh Tàu Hũ, Lò Gốm, Kênh Đôi, Ông Bé…
Hiện có gần 20.000 căn nhà ổ chuột ven kênh tại TP.HCM chờ giải tỏa
Với chiều dài 8,2 km kênh rạch, quận Bình Thạnh cũng có đến hơn 1600 hộ dân sinh sống. Hiện tại, TP cũng có đến 67 tuyến kênh rạch xuất hiện dày đặc các căn nhà ổ chuột do người dân tự xây dựng.
Dọc các tuyến kênh xuyên tâm tại Bình Thạnh, nhiều ngôi nhà “mọc” san sát kiểu 1/3 căn nằm trên mặt nước. Những căn nhà này được cơi nới bằng những cọc bê tông đơn giản hoặc những cọc gỗ thô sơ, thiếu an toàn.
Đáng nói rằng, những căn nhà tại đây dù đều thuộc diện xây dựng trái phép hoặc không phép nhưng vẫn diễn ra việc mua bán nhà. Điều này càng làm khó khăn hơn cho công tác đền bù, di dân.
Đại diện chính quyền TP phát biểu tại cuộc họp thường kỳ tháng 5/2016 của UBND Tp.HCM cho biết, giải tỏa và di dời người dân sống tại những khu vực này chính là vấn đề khó khăn bởi ngân sách hạn chế, không đáp ứng một cách phù hợp nhất nhu cầu người dân.
Cần hơn 14.000 tỷ đồng để thực hiện
Hai vấn đề quyết định đến việc xóa sổ hơn 20.000 căn nhà ổ chuột tại ven kênh Tp.HCM là quỹ đất tái định cư và nguồn vốn thực hiện.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết, TP sẽ thực hiện mời thầu các nhà đầu tư. Theo kế hoạch, để thực hiện được dự án này trước năm 2020, TP cần nguồn vốn 14.000 tỷ đồng.
Thực tế, TP hiện đang có nhiều dự án trọng điểm với nguồn vốn lớn nên vốn dành cho xóa sổ nhà ở ổ chuột sẽ khó khăn. TS. Trần Văn Thắng, giảng viên Trường đại học Thủy Lợi cơ sở Tp.HCM cho rằng, TP cần nhận được cơ chế đặc biệt từ Chính phủ và thực hiện huy động vốn từ các nhà đầu tư thì mới mong triển khai nhanh chóng nhất dự án nhiều khó khăn này.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư - Xây dựng công trình giao thông đô thị Tp.HCM cho rằng, có 3 nhóm giải pháp mà TP cần thực hiện để hoàn thành được kế hoạch dự án trên.
TP phải có cách tiếp cận mới với công tác đền bù, di dời. Theo ông, cụ thể nên coi đây là một dự án độc lập, như một dự án xây dựng mới. TP cũng phải kêu gọi mạnh mẽ hơn nữa các nguồn đầu tư, chủ động tạo quỹ đất cho người dân.
Nhóm giải pháp thứ 2, TP phải đẩy nhanh tiến độ trong khâu chuẩn bị đầu tư, huy động vốn quốc tế hay tỏng thi công, giải tỏa. Công tác thi công theo đó nên được ưu tiên đối với những tuyến kênh trọng điểm như kênh Đôi, kênh Tẻ. Cũng theo ông Phúc, TP nên chủ động kiến nghị cơ chế đặc thù từ Chính phủ dể dự án nhận được hỗ trợ đắc lực nhất.
Cuối cùng, TP nên rút ngắn thời gian ra quyết định, giữ sự phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị có liên quan để dự án diễn ra đúng tiến độ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM bày tỏ quan điểm, dự án này hầu như không mang lại lợi nhuận nên TP khó để kêu gọi. Hơn nữa, người dân không thích ở chung cư tái định cư nên công tác giải tỏa, di dời lại càng gặp nhiều khó khăn.