Tại buổi tọa đàm "Thị trường bất động sản Việt Nam 2019: Xu hướng và Cơ hội đầu tư" diễn ra ngày 11/12 vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng mức tín dụng cho ngành (bất động sản) BĐS đang khá cao, do vậy việc siết tín dụng BĐS là cần thiết.
Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, theo chuyên gia Tài chính Ngân hàng, tín dụng dành cho thị trường BĐS có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cụ thể, ông Hiếu chia sẻ: “Với tình hình của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, tín dụng cho thị trường BĐS cũng sẽ ảnh hưởng. Việc hạn chế huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% cũng ảnh hưởng đến thị trường BĐS. Những ngày vừa qua, hầu hết ngân hàng đã tăng lãi suất nhằm cơ cấu lại nguồn huy động vốn”.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng.
Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cũng cho rằng, tín dụng BĐS hiện đang ở mức cao, 200%. Trong khi đó, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nên các ngân hàng cần hết sức cẩn trọng. Với những quy định và định hướng đó, thị trường BĐS cũng sẽ bị tác động.
Ông Hiếu nhận định: "Ngân hàng Nhà nước đưa công văn yêu cầu các ngân hàng rà soát tín dụng BĐS để báo cáo cho chính xác. Tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng 7,5% trong ngành ngân hàng. Tôi nghĩ cao hơn nhiều. Năm 2019, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng BĐS và chứng khoán là rất hợp lý. Các ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại phải cẩn trọng để tốt cho thị trường BĐS được thanh lọc”.
Về vấn đề nguồn vốn đầu tư BĐS, theo giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: “Nếu luồng vốn FDI dồn vào Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng kèm theo những thách thức. Nên chúng ta phải biết tận dụng cơ hội hay lại bỏ phí. Tôi không nói tín dụng là yếu nhưng phải nói tiền tiết kiệm trong dân không ai biết có bao nhiêu, nếu nguồn đó bỏ ra để mua bất động sản trong tương lai thì phải nói có rất nhiều tiềm năng”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cho rằng, hiện mức tín dụng tại Việt Nam đang ở mức cao. Ông cho biết: “Về tín dụng, tôi cho rằng vay tín dụng ở Việt Nam vẫn cao quá so với các nước. Tín dụng đương nhiên vẫn cần phải có nhưng mặt quản lý thì phải xem xét. Quản lý của ta còn yếu. Cơ chế thế chấp để vốn hóa BĐS cũng có vấn đề. Giao dịch BĐS trong tương lai dù có cơ chế bảo lãnh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Hai vấn đề này cần tính thực tiễn cao hơn để tránh rủi ro cho người dân”.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Còn theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: “Về vốn cho thị trường BĐS không tăng bằng mức mặt bằng chung của thị trường nhưng vẫn tăng. Năm 2017, tín dụng chung của ngân hàng, tăng 12,8% tới 2018 dự kiến tăng 18%, tín dụng BĐS tăng 17%. So với năm trước, rõ ràng dòng vốn ngân hàng không tắc, thậm chí là chất lượng hơn thông qua cho vay. Trong 11 tháng năm 2018, dòng vốn nước ngoài khoảng 11.500 tỷ đồng. Đăng ký vào BĐS chiếm khoảng 33% vốn đăng ký mới, đứng thứ 2 trong các ngành”.
Ông Lực cũng nhận định: “Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động phát hành trái phiếu, không còn lệ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng khi thiếu nguồn vốn, đây là tín hiệu tích cực. Về xu thế của năm 2019 nhận định thị trường BĐS vẫn phát triển tích cực nhưng chất lượng hơn”.