TPHCM đang ráo riết xử lý triệt để hơn 2.000 trường hợp sử dụng căn hộ chung cư để ở làm nơi kinh doanh, yêu cầu những hộ kinh doanh trong chung cư phải di dời để tránh “làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư”, bởi đây là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 6 Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực ngày 1-7-2015), đặc biệt Nghị định 99/2015/NĐ-CP đã ấn định từ ngày 10-6-2016 phải chấm dứt tình trạng này.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM vào cuối năm 2016, trên địa bàn TPHCM có hơn 2.000 doanh nghiệp (DN), chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký địa chỉ trụ sở tại chung cư, bao gồm tại các căn hộ và phần diện tích sử dụng để kinh doanh trong nhà chung cư.
Vào thời điểm đó, cơ quan này ra thông báo nêu rõ, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày công văn ban hành, các DN kinh doanh tại căn hộ chung cư phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi trụ sở sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư (trừ phần diện tích nhà chung cư dùng để kinh doanh).
Nếu các DN không nộp hồ sơ, sở sẽ phối hợp Sở Xây dựng và UBND các quận huyện nơi DN đặt trụ sở để xử lý theo quy định. Sau đó, UBND TPHCM cũng có văn bản đôn đốc thực hiện nghiêm túc việc di dời DN ra khỏi chung cư.
Mới đây nhất, bên lề một hội nghị, ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sở đang trình TP, cho phép các DN có 6 tháng để sắp xếp việc di chuyển trụ sở ra khỏi chung cư; DN nào không di chuyển sẽ bị rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giải quyết dứt điểm vấn đề này trong năm 2017.
Đây là chủ trương đúng đắn, thực thi theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, chính Bộ Xây dựng lại làm điều ngược lại.
Cụ thể, vào thời điểm Luật Nhà ở 2014 và các nghị định hướng dẫn có hiệu lực đã lâu, thì cơ quan này đã phê duyệt dự án nhóm nhà ở HH5, HH6 thuộc dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn (phường Bến Nghé, quận 1) do Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ thương mại TPHCM làm chủ đầu tư, có chức năng văn phòng dịch vụ (officetel) xen cài với căn hộ ở trên cùng 1 tầng; không phân định phần diện tích sàn xây dựng kỹ thuật, hành lang sử dụng cho chức năng văn phòng dịch vụ với căn hộ để ở.
Việc phê duyệt do Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng thực hiện, đó là thẩm định thiết kế cơ sở tại văn bản số 265/HĐXD-QLKT ngày 31-3-2016 và thẩm định thiết kế kỹ thuật tại văn bản số 333/HĐXD-QLTK ngày 25-4-2016. Việc làm này của Bộ Xây dựng đã khiến Sở Xây dựng TPHCM lúng túng, nghi ngại.
Tuy nhiên, công văn phúc đáp của Bộ Xây dựng lại tiếp tục khẳng định, việc cấp phép dựa trên cơ sở “xem xét, rà soát là tùy theo từng dự án cụ thể…”, theo công văn số 53/BXD-QLN, ngày 20-5-2016, do Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh ký ban hành.
Như vậy, trong vấn đề này có 2 thái cực đang diễn ra và cùng tồn tại hết sức phi lý: Một bên ráo riết “trục xuất” các DN sử dụng căn hộ ở để kinh doanh; một bên cấp dự án mới cho phép “lẫn lộn” giữa nhà ở và nơi kinh doanh.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng Bộ Xây dựng đã tạo ra tiền lệ “xé rào” khi không tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở, mà pháp luật này lại do chính mình soạn ra và được Quốc hội thông qua. Sự tùy tiện trong thực hiện luật pháp về nhà ở là hành động hết sức nguy hại, sẽ dẫn tới kỷ cương phép nước không nghiêm; tạo ra cuộc chơi không sòng phẳng trong cộng đồng DN.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online