Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Đa đã được đưa ra lấy ý kiến các nhà khoa học nhằm thống nhất phương án trùng tu
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Đa đã được đưa ra lấy ý kiến các nhà khoa học nhằm thống nhất phương án trùng tu.
Nguyện vọng của nhân dân
Di tích Gò Đống Đa (còn gọi là Công viên văn hóa Gò Đống Đa) nằm trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) có tổng diện tích gần 22.000m2, được xây dựng vào năm 1989 nhân kỷ niệm 200 năm đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với nhiều hạng mục, như: Gò Đống Đa và cổng miếu Trung Liệt, đường vào, tường rào, tượng đài vua Quang Trung, phù điêu, sân, nhà trưng bày... Nếu xét về mặt "tuổi thọ" thì các công trình trên DT này còn "trẻ", chưa nhất thiết phải trùng tu, song nếu nhìn vào thực tế thì việc tu bổ, tôn tạo DT là yêu cầu bức thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan.
Bởi, tượng đài, hạng mục chính của DT hiện nay được xây dựng bằng chất liệu bê tông, cốt thép nên đã xuống cấp, rêu nước xanh nhìn rất phản cảm về mặt thẩm mỹ. Hơn nữa, PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam phân tích: Quy hoạch dự án cũ quá nhấn mạnh vào hai hạng mục, tượng đài Quang Trung và nhà trưng bày mà gần như bỏ qua DT quan trọng nhất là Gò Đống Đa. Cổng chính của quần thể lại đặt tại con đường ngách Đặng Tiến Đông, trong khi cổng phụ mở ra đường lớn Tây Sơn khiến không gian chung bị cắt vụn. Hệ quả là người dân Thủ đô cũng như du khách khi đến thăm DT này chỉ ấn tượng với tượng đài mà bỏ quên Gò Đống Đa. Chưa kể không gian trước gò trở thành sân chơi thiếu nhi và nơi bày bán cây cảnh, trông giữ xe đạp; vỉa hè là nơi cắt tóc, gửi xe qua đêm, trông nhếch nhác, lộn lộn, thiếu văn hóa.
Tán đồng việc cần thiết phải tu bổ, tôn tạo DT Gò Đống Đa, PGS Đặng Văn Bài còn đưa ra dẫn chứng, ngay trong năm đầu tiên đất nước giành độc lập, thành phố Hà Nội đã tổ chức giỗ trận Đống Đa kỷ niệm 157 năm chiến thắng quân Thanh vào ngày mùng 5 Tết Bính Thìn (6-2-1946). "Điều đó cho thấy, trong quá khứ cũng như hiện tại, người Hà Nội thực sự quan tâm đến giỗ trận Đống Đa (sau này là Lễ hội Gò Đống Đa) nên tu bổ, tôn tạo DT cho trang nghiêm, tôn kính là nguyện vọng của người dân Hà Nội cũng như cả nước" - ông Bài khẳng định.
Trước hết hãy là công viên văn hóa
Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng, Viện Bảo tồn di tích đề xuất hai phương án tu bổ, tôn tạo DT Gò Đống Đa. Hai phương án này có điểm chung là quy hoạch lại không gian, cải tạo sân vườn, cây xanh, hệ thống chiếu sáng để DT trở thành công viên lịch sử văn hóa đúng nghĩa, nhưng khác nhau ở việc xử lý cụm tượng đài Quang Trung và nền miếu Trung Liệt trên đỉnh gò. Cụ thể, phương án 1 đề nghị giữ nguyên cụm tượng đài và phục dựng lại miếu Trung Liệt (hiện chỉ còn cổng và nền cũ). Phương án 2 đề nghị đặt 1 lầu bát giác tại nền miếu Trung Liệt, xây mới đền thờ vua Quang Trung gần tượng đài, hoặc là chỉ xây đền thờ vua Quang Trung.
Mặc dù ủng hộ việc tu bổ, tôn tạo DT nhưng ngay sau khi hai phương án này đưa ra, các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến trái chiều. Theo các dẫn chứng của GS Lê Văn Lan thì miếu Trung Liệt khi còn tồn tại trên đỉnh Gò Đống Đa không ăn nhập gì với vua Quang Trung và chiến thắng Ngọc Hồi. Đây là ngôi miếu được Hoàng Cao Khải xây vào thế kỷ XIX nhằm thờ một số trung thần nhà Nguyễn. Từ dẫn chứng đó, GS Lê Văn Lan đề nghị giữ nguyên hiện trạng tượng đài, không phục dựng miếu Trung Liệt. Nếu muốn có một ngôi đền thờ Quang Trung để tăng tính "thiêng" cho DT thì hãy xây riêng một ngôi đền trên đỉnh Gò Đống Đa, còn hợp lý nhất chỉ cần đặt một bát hương dưới chân tượng đài để du khách tôn vinh tương tự như tượng đài vua Lý Thái Tổ. Đồng quan điểm này, PGS Đặng Văn Bài cho rằng, nếu phục dựng miếu Trung Liệt thì các hạng mục trong quần thể DT sẽ khập khiễng bởi "nhân vật chính" là Hoàng đế Quang Trung lại không có miếu thờ.
Ngược lại, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lại ủng hộ việc khôi phục miếu Trung Liệt vì ngôi miếu này đã tồn tại trong lịch sử, là một bộ phận của quần thể DT, được xếp hạng DT quốc gia nên phải bảo tồn đúng luật di sản. Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê không đồng ý việc phối thờ vua Quang Trung tại miếu Trung Liệt mà phải xây dựng nơi xứng đáng hơn với vị thế của một vị vua để lại danh tiếng oanh liệt trong lịch sử. Xuất phát từ hai bức ảnh kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1946 mới được sưu tầm, nhà sử học Dương Trung Quốc ủng hộ ý tưởng phục dựng miếu vì nó sẽ "đáp ứng đời sống tâm linh của người Việt và chia sẻ chức năng trung tâm của bức tượng".
Như vậy, vẫn chưa thể có phương án khả thi nào được duyệt trong nay mai. Vậy nên, trong khi chờ đợi một phương án hợp lý hơn, thiết nghĩ Công ty Geleximco với cái tâm của mình nên dành nguồn kinh phí nhất định để cải tạo cảnh quan, dẹp bỏ dịch vụ nhếch nhác quanh DT, biến Gò Đống Đa thành một công viên lịch sử văn hóa hấp dẫn giữa lòng Thủ đô.
(Theo HNM)