Hội nghị thẩm định công nhận thị xã Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, sáng 22/6 tại Hà Nội do Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang chủ trì.
Hội nghị thẩm định công nhận thị xã Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, sáng 22/6 tại Hà Nội do Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang chủ trì.
Là đô thị miền núi nhưng những năm qua cơ cấu kinh tế của thị xã có sự dịch chuyển khá ấn tượng, mũi nhọn là lĩnh vực thương mại dịch vụ, chiếm tỷ trọng 65,11%; công nghiệp và xây dựng chiếm 29,21%, riêng nông, lâm thuỷ hải sản chỉ chiếm 5,68%. Trên địa bàn thị xã, hiện có khu công nghiệp Long Bình An với quy mô 109 ha và 2 điểm công nghiệp tập trung tại phường Tân Hà và phường Nông Tiến, tạo động lực phát triển cho thị xã.
Địa hình bằng phẳng xen lẫn gò đồi thấp, cách thị xã trên 10 km là những dãy núi với hàng trăm ha rừng, hàng trăm ha mặt nước, dòng sông Lô chảy qua trung tâm thị xã, có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, cảnh quan sinh thái đẹp như Thành nhà Mạc, Núi Dùm, Mỏ Than, Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu, chùa An Vinh…nên thị xã Tuyên Quang có đủ điều kiện để phát triển du lịch thăm quan truyền thống văn hoá lịch sử kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, hội họp và du lịch tâm linh nhân văn. Hiện nay, thị xã đang tập trung đầu tư xây dựng Khu du lịch Núi Dùm (tại phường Nông Tiến và xã Tràng Đà) và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại Tình Húc (phường Hưng Thành).
Hệ thống hạ tầng đã được quan tâm đầu tư, xây dựng. Theo kết quả điều tra nhà ở nội thị năm 2008, thị xã có 14.988 căn nhà với diện tích bình quân đạt 26,7 m2sàn/ người, trong đó tỷ lệ nhà kiên cố chiếm tỷ lệ khá cao 86,4%, nhiều khu dân cư mới được hình thành với hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, góp phần tạo thêm quỹ nhà và tạo môi trường sống tốt cho người dân.
Bên cạnh nhà ở, công sở, bệnh viện, trường học, giao thông…cũng được nâng cấp hoặc xây dựng khang trang. Chỉ tính riêng giao thông nội thị, thị xã đạt mật độ 9,66km/km2 với 89,16 km đường bê tông nhựa và bê tông xi măng. 85 tuyến đường khu vực nội thị được chiếu sáng, đạt tỷ lệ 82,2%.
Về thoát nước và vệ sinh môi trường, Thị xã chưa có hệ thống thoát nước thải riêng, hiện hệ thống thoát nước thải và hệ thống thoát nước mưa đang sử dụng chung và cùng đổ ra sông, ngòi. Riêng nước thải y tế từ các bệnh viện thì đã được xử lý riêng trước khi đổ ra hệ thống thoát nước đô thị.
Trong quy hoạch chung xây dựng thị xã đã được phê duyệt, có bố trí 3 trạm xử lý tập trung và 1 trạm xử lý phân tán quy mô nhỏ với tổng lượng nước thải được xử lý là 18.300 m3/ ngày đêm. Dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải với tổng mức đầu tư 216,3 tỷ đồng, đã được triển khai từ năm 2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2011.
Theo Ths. KTS Phạm Công Bình, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), là đô thị miền núi nên sức hút về phát triển nhà ở dạng nhà tập thể, chung cư ở thị xã Tuyên Quang không cao nhưng do nhu cầu về phát triển thương mại (nhà ở gắn liền với cửa hàng) nên nhà ở tư nhân rất phát triển, tỷ lệ nhà kiên cố đạt khá cao. Thị xã đã chú trọng xây dựng và quy hoạch hệ thống các công trình công cộng, nâng cao điều kiện sống cho người dân, tạo cảnh quan đô thị nên hầu hết các phường đều có các công trình công cộng thiết yếu như trường học, nhà văn hoá, chợ…
Bà Ngô Thị Tám, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) lại cho rằng: những năm qua, hạ tầng cơ sở của thị xã đã được đầu tư. Thị xã có không ít các công trình lớn khang nhưng xét một cách tổng thể về bộ mặt kiến trúc cảnh quan thì chưa thật đồng bộ, hài hoà. Một số phường, xã mới thành lập nên chưa có quy hoạch chi tiết, hệ thống vỉa hè của nhiều tuyến đường nội thị còn bị chiếm dụng kinh doanh, vấn đề thoát nước và vệ sinh môi trường vẫn còn những hạn chế nhất định.
Kiến trúc cảnh quan là vấn đề rất được Hội đồng thẩm định quan tâm. Theo ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trong phát triển đô thị, thị xã Tuyên Quang cần tìm ra một con đường độc đáo, xác định xu hướng kiến trúc rõ ràng, có bản sắc. Công tác quy hoạch cũng cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Ngoài quần thể công trình kiến trúc biểu tượng độc đáo của thị xã cần có thêm nhiều điểm nhấn trong kiến trúc cảnh quan, tạo dấu ấn cho đô thị. Các dự án chỉnh trang đô thị, hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng đô thị như: xử lý rác, xử lý nước thải…cũng cần được đẩy nhanh. Là thị xã có đậm dấu ấn lịch sử, có nhiều khu di tích lịch sử văn hoá nên thị xã Tuyên Quang cũng cần có quy hoạch tổng thể bảo tồn văn hoá di sản.
Với những thành tích đã đạt được, Thị xã Tuyên Quang đã được Hội đồng thẩm định công nhận đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại III.
(Theo Xây Dựng)