Những kiểm nghiệm khoa học cho thấy, các mẫu xăng lấy từ xe cháy, cây xăng bán cho xe bị cháy và khu vực lân cận đều đạt tiêu chuẩn.
Những kiểm nghiệm khoa học cho thấy, các mẫu xăng lấy từ xe cháy, cây xăng bán cho xe bị cháy và khu vực lân cận đều đạt tiêu chuẩn. Điều này cho thấy các nghi ngờ trước đây về xăng chứa phụ gia, chất lượng kém gây cháy xe hoàn toàn có thể bị bác bỏ.
26 mẫu xăng từ xe cháy đều đạt chuẩn
Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm - Hàng hóa, Bộ KH&CN cho biết, tổng hợp các kiểm nghiệm mẫu xăng lấy từ các nguồn khác nhau trong thời gian qua có thể khẳng định xăng không phải là nguyên nhân gây cháy xe. Cụ thể, trong thời gian xảy ra "biến cố" trên, các Chi cục Quản lý Chất lượng trên cả nước đã lấy nhiều mẫu để kiểm nghiệm xăng dầu. Đặc biệt, hầu hết các mẫu xăng, dầu được lấy từ các xe bị cháy, cây xăng xe cháy đã mua hoặc khu vực xe cháy thường xuyên mua xăng.
Tổng cộng có 26 mẫu xăng, dầu diezen có liên quan đến các vụ cháy xe trên cả nước trong thời gian từ ngày 27/12/2011 - 9/3/2012, được mang đi xét nghiệm. Trong đó có 23 mẫu xăng và 3 mẫu dầu DO 0,05% S. Đáng chú ý, các mẫu xăng, dầu khi đưa đi kiểm nghiệm đều được phân tích từ 2 - 6 chỉ tiêu. Các yếu tố có nguy cơ cao gây cháy xe trong xăng được dư luận đặt ra như metanol, ethanol đều không được xác định.
Ví dụ, mẫu kiểm nghiệm cây xăng Ron 95 tại số 2 đường Giảng Võ, Ba Đình theo lời khai của chủ nhân bị cháy xe cho thấy, các chỉ tiêu trị số octan, benzen đều đạt chất lượng, riêng hàm lượng nước là 70ppm. Hay cây xăng Ron 92 thuộc Công ty Hà Bắc (Bắc Giang) được lấy mẫu thuộc khu vực có xe bị cháy. Sau khi xét nghiệm 6 chỉ tiêu là trị số octan, hàm lượng lưu huỳnh, áp suất hơi, hàm lượng oxy, metanol và nước, cơ quan chức năng không phát hiện metanol, hàm lượng nước cao 164ppm, các chi tiêu khác đều đạt.
Mẫu xăng lấy ở xe bị cháy thuộc Bình Khánh 3, TP Long Xuyên, An Giang xét nghiệm 5 chỉ tiêu. Kết quả trị số octan đạt, không phát hiện metanol, ethanol, áp suất hơi đạt, riêng hàm lượng nước là 318ppm.
Các bằng chứng khoa học trên cho thấy, các nghi ngờ trước đây về xăng chứa phụ gia, chất lượng kém làm cháy xe hoàn toàn có thể bị bác bỏ.
100% mẫu phát hiện nước
Một trong những điểm khiến các nhà quản lý cũng như người dân lưu tâm trong các mẫu kiểm nghiệm chính là xăng chứa hàm lượng nước. Số liệu từ Cục Chất lượng Sản phẩm - Hàng hóa cho thấy, 100% mẫu được kiểm nghiệm đều chứa nước. Các hàm lượng dao động từ 70 - 318ppm.
Giải thích việc trong xăng có nước, PGS.TS Đinh Ngọc Ân, Trưởng khoa Động lực, Đại học Hưng Yên cho rằng, trong xăng có nước là khó tránh khỏi. Đây cũng là hiện tượng tự nhiên. Ví dụ, xăng khi chứa trong bồn sẽ bốc hơi, hòa lẫn vào không khí, ngưng tụ lại sẽ có chứa hàm lượng nước nhỏ. Với hàm lượng nước dạng ion, tức mức rất nhỏ mà các cơ quan chức năng ghi nhận được, gần như không ảnh hưởng gì đến chế độ làm việc của động cơ.
"Bản thân quá trình cháy và phản ứng hóa học cũng đã có nước. Có thể thấy ở ống xả có nước chảy ra. Vì thế, với hàm lượng nước nhỏ như thời gian qua không có ảnh hưởng gì", PGS.TS Ngọc Ân nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nước ở dạng vi lượng cũng dễ dàng phân biệt với nước bị nhiễm vào do quá trình bảo quản kém vì độ tách ra, thể tích tăng. "Nước nhiều làm động cơ không cháy, bị đẩy ra ngoài và gây ra nổ ở ống bô. Nếu kéo dài sẽ gây ra hỏng động cơ theo khái niệm: Nhiên liệu kém chất lượng, động cơ phải chạy cố làm giảm tuổi thọ. Ngoài ra, trường hợp trong xăng có chất lưu huỳnh nếu kết hợp với nước sẽ tạo ra axit gây hỏng động cơ", PGS.TS Ngọc Ân cho biết.
"Nước được xem là chất bị lẫn vào trong xăng và không có khả năng gây cháy xe. Nước ở hàm lượng thấp này chưa có biểu hiện ảnh hưởng đến động cơ xe. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng vẫn tiếp tục kiểm tra và nghiên cứu", ông Lê Huy Doanh (chuyên viên Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm - Hàng hóa).
(Theo KH&ĐS)