Mua nhà xã hội được bán lại rẻ hơn tới vài trăm triệu đồng so với giá thị trường là lợi ích mà nhiều môi giới đưa ra để "câu kéo" khách mua. Tuy nhiên, mức giá rẻ này có thể dẫn theo rất nhiều rủi ro về pháp lý.
Nhan nhản nhà ở xã hội được rao bán
Một trường hợp điển hình cho việc mua đi bán lại căn hộ nhà ở xã hội là tại dự án nhà ở xã hội cho cán bộ nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ. Theo quy hoạch, dự án gồm 1 tòa nhà 25 tầng và đang được triển khai. Tòa nhà nằm ở vị trí khá đẹp, ngay ngã tư hai mặt đường lớn là Khuất Duy Tiến và Lê Văn Lương nên nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Theo quy định, đây là dự án nhà ở xã hội chỉ bán cho những cán bộ nhân viên làm việc tại Ban Cơ yếu Chính phủ và được thực hiện theo đúng quy trình xét duyệt hồ sơ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dự án hiện đang được rao bán trên mạng với mức giá từ 16 đến 22 triệu đồng/m2. Khi gọi tới số máy rao bán căn hộ tại dự án này, phóng viên được môi giới cho biết, dự án đã bán hết cho các cán bộ, nhân viên của Ban Cơ yếu Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều người không có nhu cầu ở nên đã tìm cách bán lại. Cách để hợp thức hóa giấy tờ là làm một hợp đồng ủy quyền, có công chứng. Sau khi hết 5 năm sẽ làm hợp đồng mua bán. Để khách yên tâm, môi giới cho biết, hợp đồng ủy quyền có công chứng nên không phải lo về mặt pháp lý, hợp đồng ủy quyền cho phép khách trở thành chủ mới của căn hộ thay cho chủ cũ, còn hợp đồng mua bán vẫn đứng tên chủ cũ.
Môi giới này cũng cho biết, khách hàng có thể yên tâm bởi nhiều trường hợp đã làm theo cách thức này, suất mua của nhân viên nhà nước và là người tử tế nên sẽ không bị lừa. Thậm chí, theo môi giới, chủ nhà còn đồng ý vay hộ người mua.
Theo tìm hiểu tại một dự án khác cũng đang nóng không kém là dự án nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an, nằm gần đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm). Đây là vị trí trung tâm Thành phố Giao lưu nên được nhiều người mua quan tâm. Đặc biệt, mức giá bán lại rất "mềm", chỉ từ 14 - 17 triệu đồng/m2, nếu tính cả tiền chênh, mỗi mét vuông cũng chỉ 20 triệu đồng. Môi giới dự án khẳng định, với mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 mà người mua không quyết ngay thì sẽ không còn cơ hội bởi các chung cư khác tại đây đều có giá trên dưới 30 triệu đồng/m2. Theo môi giới quảng cáo, người mua chỉ phải trả chênh 200 - 300 triệu cho mỗi căn hộ và được nắm trong tay hợp đồng ủy quyền sử dụng.
|
Người mua gặp không ít rủi ro khi mua nhà ở xã hội qua tay |
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc mua lại suất nhà ở xã hội dành cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ quan Nhà nước là sai quy định về đối tượng mua nhà. Chủ đầu tư vi phạm sẽ bị xử lý hành chính và thu hồi nhà.
Cần nắm rõ quy định
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật, tiếp tay trục lợi mua bán nhà ở xã hội sẽ bị cho vào danh sách "đen" trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, ông sẽ kiến nghị thành phố không giao thực hiện các dự án nhà ở xã hội khác cho chủ đầu tư này trên địa bàn. Quản lý nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn nhắc nhở các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý những trường hợp làm trái quy định của pháp luật về nhà ở xã hội.
Ông Đạm cho biết: "Về mua bán nhà ở xã hội Nhà nước quy định rồi, chúng ta cứ thực thi thôi. Khi Bộ Xây dựng rà soát xong, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng để điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế".
Theo Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến việc nhà ở xã hội bị bán sai đối tượng là do buông lỏng quản lý từ khâu tiền kiểm đến khâu hậu kiểm. Ông cho rằng, phát triển nhà ở xã hội là một chính sách tốt của Nhà nước, tuy nhiên lại chưa có cơ chế kiểm soát và thiếu vai trò quản lý của nhà nước. Mặc dù các hiện tượng trên chưa phổ biến nhưng nếu không có các quy định chặt chẽ thì tình trạng trục lợi nhà ở xã hội sẽ gia tăng.