Tuy rất thích ở chung cư nhưng khi mới cưới xong vợ chồng chị Nguyễn Thanh Vy (30 tuổi, sống tại Tp.HCM) lại chọn mua đất ngoại thành với số vốn 600 triệu đồng.
Sau đây là chia sẻ của chị Vy về kinh nghiệm mua bán đất ngoại thành:
Đầu năm 2016, vợ chồng tôi kết hôn. Lúc bấy giờ, chúng tôi đặt mục tiêu sau 3 năm sẽ phải mua được nhà ở Tp.HCM, tất nhiên vẫn cần vay ngân hàng một khoản. Tuy nhiên, việc mua nhà sẽ không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của gia đình tôi.
Sau đám cưới, chúng tôi có 600 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của cả hai, cộng với tiền bố mẹ đôi bên cho. Khi đó, tổng thu nhập của vợ chồng tôi hơn 30 triệu đồng/tháng. Tôi đặt mục tiêu tiết kiệm ít nhất 6 triệu đồng/tháng.
Để có thể sở hữu một căn hộ chung cư ở quận 7 (cách chỗ làm việc của hai vợ chồng khoảng 7km) với giá 1,6 tỷ đồng, chúng tôi phải vay thêm 1 tỷ đồng. Tính ra, nếu vay ngân hàng thời hạn 20 năm thì tôi phải trả tiền lãi hơn 10 triệu mỗi tháng trong mấy năm đầu. Lúc này, mỗi tháng vợ chồng tôi còn phải trả tiền thuê căn hộ 4 triệu đồng.
Nếu vay tiền mua nhà ngay khi đó thì bài toán chi tiêu đối với chúng tôi không quá khó khăn. Thế nhưng, cả hai đều muốn thường xuyên về quê thăm bố mẹ và đi du lịch.
Qua bạn bè và đồng nghiệp, tôi biết giá đất khu vực ngoại thành đang tăng rất nhanh. Với số tiền hiện có, vợ chồng tôi bàn nhau đi mua tạm mảnh đất nhỏ ngoại thành và bán lại khi được giá. Chúng tôi cũng nói chuyện với người quen về ý định này để được giới thiệu mua đất.
Vay mượn anh trai thêm 400 triệu đồng, chúng tôi mua mảnh đất đầu tiên ở gần đường Nguyễn Xiển (quận 9) với giá 1 tỷ. Do đất ở quá xa chỗ làm nên hai vợ chồng đều xác định sẽ không ở đây. Khoảng 4 tháng sau, chúng tôi bán lại mảnh đất này với giá 1,4 tỷ đồng.
|
Sau 2 năm săn mua đất ngoại thành rồi bán lại, vợ chồng chị Vy đã mua được căn hộ chung cư gần trung tâm Tp.HCM. (Ảnh: HA) |
Đến đầu năm ngoái, tôi được người quen giới thiệu một mảnh đất nông nghiệp rộng 85m2, nằm trong hẻm nhỏ ở quận 9 với giá 800 triệu đồng. Đất xung quanh đó đã được lên thổ cư hết nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất này là 99%. Thật vậy, sau 8 tháng hoàn tất thủ tục pháp lý và đóng hơn 150 triệu đồng tiền thuế, tôi đã chuyển đổi được mục đích sử dụng của mảnh đất. Diện tích đất thổ cư mà tôi được công nhận (đã trừ lộ giới) là 79m2. Tôi bán lại miếng đất đó với giá 1,9 tỷ đồng hồi đầu năm nay.
Trên đà đầu tư thuận lợi, chồng tôi hùn vốn với người bạn mua chung mảnh đất gần 200m2 ở Nhà Bè, có đường ô tô vào được. Vậy nhưng, hết quý I/2018, hoạt động giao dịch bất động sản chững lại, miếng đất trở nên khó bán hơn. Làm ăn chung, việc gì cũng không thể tự giải quyết nên chúng tôi cảm thấy không thoải mái. Rất may, hồi tháng 6/2018, chúng tôi đã bán được mảnh đất này, lãi hơn 100 triệu đồng mỗi bên. Tuy nhiên, mức lãi chỉ nhỉnh hơn gửi tiết kiệm ngân hàng một chút.
Hiện tại, chúng tôi đã rút hết tiền về mua căn hộ chung cư rộng 65m2 ở quận 7 với giá 2 tỷ đồng. Sang tháng, vợ chồng tôi sẽ chuyển về đây sống. Tôi vay thêm 100 triệu đồng theo dạng tín chấp, thời hạn 3 năm để sắm sửa nội thất cho nhà mới. Ngân hàng sẽ tự đồng trừ vào lương của tôi khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.
Có thể nói, vợ chồng tôi đã rất may mắn trong suốt 2 năm săn mua đất ngoại thành rồi bán lại. Song, tôi không muốn đầu tư vào kênh này bởi rất vất vả, nhiều rủi ro. Trước đây, chúng tôi đã suýt mất 100 triệu đồng tiền cọc mua đất nằm trong dự án quy hoạch.
Theo giám đốc một công ty môi giới và dịch vụ nhà đất tại Tp.HCM, ông Nguyễn Tiến Dũng, trong thời kỳ thị trường bất động sản sốt nóng thời gian qua, phương án đầu tư của vợ chồng chị Vy là phù hợp. Tại Tp.HCM, giá nhà liền thổ và giá đất tăng chóng mặt, tầm khoảng 200-300% tùy vị trí. Trong khi đó, giá chung cư chỉ tăng vài chục %. Thế nhưng, khi cơn sốt đi qua, thanh khoản giảm, giá đất tại một số khu vực sốt ảo sụt giảm, nếu đi theo con đường chị Vy chọn chưa chắc đã hiệu quả. |