Trong tất cả các giao dịch liên quan đến tiền bạc, tài sản… không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào những mối quan hệ quen biết vì rất dễ mất cả tình lẫn tiền.
Dưới đây là câu chuyện mua đất bị mất sạch tiền cọc của chị T.M, dù số tiền không quá lớn nhưng cũng là một bài học cảnh tỉnh cho mọi người khi mua bán nhà đất:
Tôi sống ở thành phố, thích đầu tư đất nhưng với số vốn không quá lớn nên tôi chọn đất dưới quê, là một huyện ở Đồng Nai, cách TP.HCM khoảng 70km. Khu vực này nhiều đồi núi, người dân làm nương rẫy, còn nhiều đất nông nghiệp và giá khá mềm. Thấy môi giới đăng 1 lô đất 3.212 m2 với giá 760 triệu, tôi quyết định tìm hiểu vì khu này tuy không gần thành phố nhưng đất ở đây vẫn có tiềm năng tăng giá nhờ có những trục đường lớn đi qua. Hơn nữa, là đất ở quê mình nên tôi nắm khá rõ giá cả, vị trí các khu đất. Như tôi biết, đất ở dọc tuyến đường có lô đất này, nếu là tách sào thì giá vậy không rẻ, tôi cũng không có nhu cầu mua, nhưng nếu là nguyên lô thì đây là mức giá khá rẻ và đầu tư ra được liền. Khi hỏi môi giới đăng tin thì người này khẳng định đất bán nguyên lô nên tôi quyết định hẹn thời gian đi xem đất.
Vì không thu xếp về quê ngay được nên tôi nhờ mẹ đi xem giúp. Cũng phải nói thêm là trước đó tôi đã nhiều lần nhờ mẹ đi xem đất, dù đã gần 70 tuổi nhưng bà còn rất minh mẫn. Hơn nữa, môi giới này lại là người quen của mẹ tôi, ở gần nhà nên tôi rất tin tưởng. Người này nói sẽ tự chạy xe vào chở mẹ tôi đến tận nơi xem đất. Sau khi mẹ tận mắt thấy đất như trong sổ, tôi sẽ xem xét việc xuống tiền cọc. Thường thì tôi vẫn giao dịch từ xa thế này và chưa từng xảy ra vấn đề gì vì tôi rất rành đường sá, đất cát ở quê, giá thị trường từng nơi, nên chỉ cần xem thông tin là tôi nắm được. Khi quyết định giao dịch, môi giới sẽ gửi sổ, hợp đồng cọc, CMND của chủ đất qua cho tôi check thông tin. Nếu thông tin đầy đủ, tôi đồng ý mua thì hai bên kí hợp đồng cọc (mẹ tôi ký) rồi tôi mới chuyển khoản.
|
Ham giá rẻ và tin tưởng người quen khi mua đất dễ dẫn đến những quyết định sai lầm.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, khác với những lần trước, khi môi giới là những người không quen biết thì tôi rất cẩn thận, còn lần này tôi có phần chủ quan vì tin tưởng là người quen của mẹ tôi. Chính điều này đã đẩy tôi đến sai lầm tai hại. Cụ thể là môi giới đã hối thúc mẹ tôi, sau khi xem đất thì chở bà đến chỗ chủ đất để đặt cọc mà không trao đổi chi tiết với tôi như mọi lần. Khi đó, tôi cũng gọi điện thoại cho mẹ, bà xác nhận đã xem sổ đỏ và đúng thông tin lô đất 3.212m2 nên tôi khá yên tâm và yêu cầu bên bán gửi giấy tờ để kiểm chứng. Trong thời gian chờ nhận thông tin kiểm chứng thì môi giới nhắn số tài khoản và giục giã tôi chuyển tiền. Trong phút bất cẩn vì tin và có chút e ngại với người quen, tôi đã vội vàng chuyển 50 triệu tiền cọc khi chưa kịp xem giấy tờ.
Chuyển tiền xong tôi mới thấy thấp thỏm. Quả nhiên, khi chở mẹ tôi về nhà xong, người này gửi ảnh giấy tờ qua thì tôi ngã ngửa khi thấy thông tin nguyên lô 3.212m2 chỉ bán 1.000m2. Mẹ tôi lần này cũng chủ quan và không đeo kính nên không kiểm tra kỹ hợp đồng. Đắng lòng hơn là sau đó tôi biết tin một môi giới khác cũng rao bán lô đất 3.212m2 trên với giá chỉ 700 triệu. Vì tin người quen, tôi không những mua hớ 50 triệu mà theo hợp đồng thì chỉ mua được 1.000m2. Dù rất tiếc khoản tiền cọc nhưng tôi đành chấp nhận mất cọc, bỏ kèo mua đất và xem đây là một bài học kinh nghiệm.
Từ câu chuyện này tôi khuyên mọi người là dù làm việc với ai, tin tưởng hay không, thì vẫn nên tuân thủ đúng theo từng bước, quy trình, giấy trắng mực đen rõ ràng, không nên tự tin quá và nhất là không nên cả nể.
Theo một số nhà đầu tư có kinh nghiệm, trường hợp như của chị T.M ngoài chủ quan tin tưởng người quen còn có chút nóng vội, ham giá rẻ. Đây cũng là điểm yếu của nhiều khách hàng, thường bị môi giới lợi dụng để chốt giao dịch.
Để tránh rơi vào các bẫy chốt khách của bên bán, khi tham gia giao dịch bất động sản, người mua phải luôn tiến hành đủ các bước, không bỏ bước, không tin tưởng, không nôn nóng, không cả nể, tất cả phải chính xác và giấy trắng mực đen rõ ràng. Người mua cần đi xem nhiều lần, nắm rõ giá thị trường ở khu vực định mua, rành pháp lý, chắc hợp đồng cọc. Tất cả các bước đều quan trọng, nhưng tới bước hợp đồng cọc, người mua thường hay lơ là nên dễ bị thiệt hại.
>> Mất sạch vốn liếng vì đặt cọc mua đất nền trên giấy
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/03/05/mat-sach-tien-coc-mua-dat-vi-tin-tuong-nguoi-quen
Theo Tạp chí Thanh niên