Thay vì tin tưởng các môi giới chính quy từ chủ đầu tư hay các sàn phân phối chính thức, nhiều nhà đầu tư thích thông qua “cò” với hi vọng mua được giá hời nhưng phải nhận về trái đắng.
Ông N.V. Thành một khách hàng mua đất thổ cư chia sẻ câu chuyện cay đắng khi bị lừa vì ham đất giá rẻ. Thời điểm đầu năm 2019 nhà đầu tư này nhắm mua 1 lô đất thuộc dự án khu dân cư tại Bình Chánh. Thông qua tìm hiểu ông chọn một dự án khu dân cư đang triển khai trên địa bàn thị trấn Tân Túc. Đây là dự án phân lô quy mô vừa phải, tuy không do chủ đầu tư lớn triển khai nhưng cũng là một doanh nghiệp có uy tín. Sau khi đi xem dự án và được cung cấp giá bán, ông Thành đã lên mạng tìm kiếm thông tin nhà đất quanh khu vực để so sánh giá. Nhằm chắc ăn hơn, ông còn tìm kiếm các môi giới khác đang rao bán đất trên khu vực này để so sánh.
Chính vì sự “cẩn trọng tính toán” của mình mà ông Thành tiếp xúc được với một môi giới tên Đức. Nắm được nhu cầu của ông, người này giới thiệu một lô đất thổ tự do cách khu vực dự án trên không xa nhưng rao bán giá rẻ hơn gần 10% so với giá bán dự án. Thấy chủ đất có sổ đỏ hợp pháp, vị trí đẹp, giá lại rẻ nên ông Thành quyết định mua lô đất thổ này thay vì khu đất dự án đã dự tính trước đó. Tuy nhiên sau khi chủ đất sang nhượng được sổ cho mình, ông Thành mới vỡ lẽ ra là đã mua trúng lô đất bị vướng quy hoạch. Vị môi giới tận tâm sau khi hợp tác với chủ đất lừa bán xong cho ông Thành thì vài tháng sau đã khóa số và cao chạy xa bay.
Điều đau lòng hơn cả là hiện giờ lô đất trong dự án trước đó ông tính mua sau khi chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng, giá đã tăng gần 20% so với giá khởi điểm. Tính già hóa non, tham cái nhỏ mà cuối cùng ông vừa vụt mất khoản đầu tư tốt, vừa mất oan một mớ tiền với lô đất bán lại không được giá, xây ở không xong.
|
Đối với giao dịch có giá trị thương mại lớn như nhà đất, người mua nên chọn các đối tác môi giới có tên tuổi và uy tín. Ảnh minh họa |
Tuy không bi đát như ông Thành, trường hợp chị P.T.T.Trúc cũng là một bài học cho việc thiếu tìm hiểu và đặt niềm tin sai người. Dù không phải là dân mới tham gia thị trường BĐS nhưng chị Trúc vẫn nhận trái đắng khi mua căn hộ không chọn môi giới chính danh của chủ đầu tư mà thông qua bên thứ ba để giao dịch.
Được biết thời điểm cuối năm 2018, chị Trúc có nhắm đến một dự án chung cư tầm trung đang chuẩn bị triển khai trên địa bàn quận 9. Do thời điểm ấy dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và chưa chính thức mở bán nên giá vẫn mang tính chất tham khảo. Được người quen giới thiệu với môi giới của chủ đầu tư, thấy thông tin về dự án tốt cộng với giá bán và tiến độ thanh toán dự kiến phù hợp với tài chính gia đình nên chị Trúc quyết định đặt chỗ trước 2 căn hộ.
Đến khoảng đầu năm 2019, khi dự án chính thức mở bán thì giá tăng cao hơn, chị phân vân nên quyết định rút cọc lại. Sau 2 tháng tìm hiểu các dự án quanh đó, thấy giá, vị trí và uy tín chủ đầu tư dự án cũ vẫn tốt hơn nên chị T. quay lại mua thì môi giới cũ cho biết đã hết nguồn hàng sơ cấp. Hiện tại nếu muốn mua chị phải chấp nhận mua lại từ nhà đầu tư khác với mức giá chênh từ 30-50 triệu/căn so với trước đó. Không muốn mất thêm tiền, chị T. tìm kiếm trên mạng và được một môi giới nhận là sale từ bên sàn phân phối chính thức tiếp cận. Theo tư vấn từ người này, hiện có 2 căn hộ thuộc suất ngoại giao khách mua giá rẻ hơn cả giá gốc, đầu tư tốt hơn mua các căn trên thị trường hiện tại.
Nếu theo giá của bên chủ đầu tư thì tổng giá 2 căn hộ chị T. mua tầm 1,6-2 tỷ đồng, còn bên sale giới thiệu thì chỉ hơn 1,5-1,9 tỷ đồng. So sánh với tổng giá bán của chủ đầu tư đưa ra, chị T. thấy căn hộ bên sàn giới thiệu rẻ hơn gần 100-150 triệu đồng nên quyết định ký HĐ mua bán với nhân viên môi giới có giá rẻ hơn. Mọi việc đều ổn thỏa cho đến khi chị T. ký HĐ mua nhà thì nhận ra mình bị lừa vì khi báo giá, sale bên sàn đã cố tình không tính các khoản phí bảo trì, phí giao dịch, thuế và phí công chứng chủ đầu tư… gần trăm triệu đồng.
Điều khiến chị T. bức xúc hơn cả là khi phát hiện ra căn hộ trên không hề được bán với giá “nội bộ” mà còn bị chênh so với giá gốc của chủ đầu tư. Nếu không tính các khoản phí vào thì thấy giá rẻ hơn, còn nếu cộng gộp tất cả vào, giá bán 2 căn chị mua từ môi giới này còn cao hơn 50 triệu/căn so với giá gộp chênh mà bên chủ đầu tư chào giá với chị. Đã vậy chị T. phải mua căn hộ ở vị trí không đẹp mà giá ngang ngửa một căn view đẹp trong dự án.
Về bản chất môi giới nhà đất là một dịch vụ giới thiệu, hỗ trợ kết nối người bán và người mua BĐS theo thỏa thuận dịch vụ. Thông qua môi giới, nhà đầu tư có thể tìm thấy những sản phẩm nhà đất tốt, giá hợp lý và được hỗ trợ các vấn đề về pháp lý, thủ tục hành chính. Tuy nhiên nếu lựa chọn phải môi giới nhà đất thiếu thiện chí, có thể dễ gặp phải tình trạng lừa gạt khách hàng, thông đồng về giá, pháp lý BĐS, nếu quá tin tưởng thì người mua dễ trở thành người sập bẫy.
Vì vậy, để giảm trừ rủi ro, người mua cần chọn dịch vụ môi giới nhà đất từ các công ty, sàn giao dịch uy tín, được pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ, kiểm soát hoạt động đúng pháp luật. Lựa chọn môi giới không có nghĩa là người mua ủy quyền hay tin tưởng toàn bộ vào họ, cũng cần kiểm chứng lại các thông tin do môi giới cung cấp, xác minh lại sự thật, tính khách quan, trung thực để tránh có được các thông tin thiếu chính xác, không rõ ràng, đánh lừa tâm lý khách hàng.
Phương Uyên
>> Mất sạch tiền cọc mua đất vì tin tưởng người quen
>> Môi giới bất động sản “vật lộn” mưu sinh giữa đại dịch
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/07/08/tin-nham-moi-gioi-dom-nguoi-mua-nha-mat-tien-oan/
Theo Tạp chí Thanh Niên