So với nhà thầu ngoại, một số nhà thầu Việt Nam cũng ngang ngửa về kỹ thuật và năng lực, vấn đề là ở thương hiệu và tâm lý chuộng ngoại.
So với nhà thầu ngoại, một số nhà thầu Việt Nam cũng ngang ngửa về kỹ thuật và năng lực, vấn đề là ở thương hiệu và tâm lý chuộng ngoại.
Nguyễn Bá Dương tốt nghiệp Khoa Kiến trúc Đại học Kiev (Liên Xô cũ) năm 1984, sau đó ông về nước và gắn bó với nghề xây dựng cho đến nay. Năm 2004, khi CotecCons cổ phần hóa, ông Dương được Hội đồng Quản trị Công ty chọn giữ một lúc 2 vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc. Đại diện một công ty chứng khoán tại TP.HCM (không muốn nêu tên) từng mời Nguyễn Bá Dương tham gia Hội đồng Quản trị nhận xét, ông là nhà quản trị chuyên nghiệp với tư duy nhạy bén của người lãnh đạo doanh nghiệp lớn.
Hiện nay có làn sóng nhà thầu xây dựng nước ngoài đổ vào Việt Nam, ý kiến của ông về cuộc tấn công này?
So với nhu cầu của hơn 80 triệu dân thì lượng nhà cao tầng lại khá khiêm tốn, do đó Việt Nam đang là thị trường xây dựng rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với một thị trường tiềm năng như vậy, lực lượng nhà thầu nội địa còn quá mỏng và chưa xây dựng được thương hiệu tốt để nhà đầu tư tin tưởng giao dự án lớn. Trên thực tế, nhà thầu nước ngoài đã vào Việt Nam từ đầu thập niên 1990. Lúc đó, họ là nhà thầu chính và nhà thầu Việt chỉ là thầu phụ. Song khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 đã khiến nhiều nhà thầu nước ngoài bỏ cuộc, làn sóng trở lại hiện nay là làn sóng thứ 2 sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cùng với sự phục hồi đầy hứa hẹn của Việt Nam. Theo tôi, điều này rất đáng lo ngại.
Những chi tiết nào nói lên điều đáng ngại đó?
Tôi nhận thấy công trình mà các nhà thầu nước ngoài thắng thầu thì một số nhà thầu trong nước hoàn toàn có khả năng làm được. Song tâm lý chuộng ngoại của nhà đầu tư trong nước đã làm mất cơ hội của nhà thầu nội địa. Vấn đề thứ 2 là các nhà thầu nước ngoài đã có thương hiệu và khách hàng thế giới ổn định, khi đặt chân vào Việt Nam, khả năng họ lấy dự án là rất cao. Giả sử chúng ta ngang ngửa với họ về kỹ thuật nhưng nếu giá bỏ thầu của nhà thầu nước ngoài cao hơn 15-20% thì họ vẫn được chọn. Hiện nay, nhiều dự án do nhà thầu nội địa thực hiện chưa tạo được niềm tin cho chủ đầu tư trong nước nên việc lấy dự án là khá khó khăn.
Vậy chúng ta nên e ngại những nhà thầu đến từ các quốc gia nào?
Thị trường xây dựng Việt đang có mặt các nhà thầu đến từ Úc, Anh, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, đáng lưu ý là các nhà thầu Hàn Quốc và Trung Quốc. Hàn Quốc có kinh nghiệm thực hiện công trình quốc tế nhưng vẫn cần nhà thầu phụ Việt Nam bởi họ không mang theo nhân công sang đây. Trong khi đó Trung Quốc cạnh tranh mạnh với doanh nghiệp xây dựng trong nước về giá bỏ thầu. Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy, các dự án do nhà đầu tư Trung Quốc bỏ giá thấp để thắng thầu thường chậm tiến độ hoặc có vấn đề về chất lượng sau này.
Đối với cá nhân mình, điều gì khiến ông lo ngại nhất trước các buổi đấu thầu?
Tôi không ngại các công trình đấu thầu công khai của nhà đầu tư nước ngoài vì mình không hề thua kém người ta về năng lực triển khai và trang thiết bị đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã tín nhiệm và chỉ định chúng tôi thực hiện dự án thứ 2 mà không cần qua đấu thầu như The EverRich I và sau đó là The EverRich II. Khoảng 70-80% dự án CotecCons nhận làm đều được chỉ định như vậy.
Công ty ông đã từng làm nhà thầu phụ cho các nhà thầu chính nước ngoài nào?
Chúng tôi chưa bao giờ làm nhà thầu phụ kể từ khi thành lập năm 2004 đến nay. Đã có khả năng làm kép chính từ đầu thì ít ai chịu làm kép phụ và CotecCons đang là kép chính trên sân chơi xây dựng có kỹ thuật, kỷ luật cao từ 6 năm qua rồi. Tính đến nay, Công ty đã đầu tư hơn 20 triệu USD cho các thiết bị kỹ thuật như cẩu tháp, cốp-pha trượt, sàn treo, xe cẩu thùng, các loại cốp-pha, máy ép để thi công công trình nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao độ an toàn cho người lao động.
Theo ông, để thành công một dự án, yếu tố kỹ thuật chiếm bao nhiêu phần trăm?
Phần kỹ thuật chiếm 40% thành công của dự án, nhưng để tiến độ thực hiện nhanh và hiệu quả thì quan trọng là ở con người và việc quản lý tổ chức bộ máy, phần này chiếm 60% còn lại.
Vậy để được nhà đầu tư chọn, nhà thầu cần phải thực hiện các bước lobby như thế nào?
Do chuyên thực hiện dự án cho chủ đầu tư tư nhân, đối tượng mà đồng tiền bỏ ra luôn đi liền với khúc ruột, nên các bước (hay còn gọi là thủ tục) nhằm lấy lòng nhà đầu tư là hoàn toàn không có. Còn từ “lobby”, nên hiểu theo nhiều nghĩa. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, lobby là việc tìm ra giải pháp tốt nhất để tiếp cận và lấy dự án. Ở Việt Nam, người ta thường hiểu từ này theo hướng là chạy chọt để lấy dự án. Tuy nhiên, cách lobby theo kiểu ngoại hay nội đều không có trong văn hóa kinh doanh của CotecCons. Thứ nữa, chúng tôi đang làm không hết việc nên chẳng nghĩ đến chuyện lobby làm gì.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành xây dựng, ông đặc biệt chú trọng điều gì trong quản trị một công ty xây dựng lớn?
Các công ty xây dựng hơn nhau ở mặt nhân sự. Xây dựng là ngành đặc thù và không ít người có cái tôi rất lớn. Song nếu để trong tập thể có quá nhiều ý kiến trái ngược, việc quản trị coi như thất bại. Cứ hình dung như đi trên một con thuyền, cùng nhau chèo và định hướng thì thuyền mới tới bến; nếu mạnh ai nấy chèo tất nhiên thuyền sẽ chìm. Quản trị công ty cũng dựa trên nguyên tắc đó. Tôi đã học được một số mô hình quản lý nhân sự ở công ty xây dựng nước ngoài để áp dụng linh hoạt cho công ty mình. Chẳng hạn, người Nhật có nguyên tắc, kỷ luật cao; người Úc có tính cá nhân cao và đặc biệt chú trọng an toàn lao động.
Ngoài việc đầu tư mạnh về kỹ thuật và an toàn cho người lao động, mục tiêu làm khách hàng hài lòng cũng được chúng tôi chú ý. Hài lòng không đơn giản chỉ là chiều lòng khách mà quan trọng là tư vấn và dự báo những gì nên làm, những gì có thể xảy ra mà khách hàng không thấy trước được. Hài lòng là làm kịp tiến độ trong khả năng tài chính khách hàng cho phép chứ không phải kịp tiến độ và tăng giá.
Còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2010, kết quả kinh doanh của Công ty năm nay có đạt kế hoạch không?
Đề ra chỉ tiêu doanh thu cho năm 2010 là 2.300 tỉ đồng nhưng chúng tôi tin chắc sẽ vượt mức 3.000 tỉ đồng.
(Theo NCDT)