Vợ chồng anh Phạm Văn Đức (Sóc Sơn, Hà Nội) dồn tiền với bố mẹ xây nhà 3 tầng rộng 120m2 để ở chung cả đời. Thế nhưng, với rất nhiều vấn đề phát sinh sau khi dọn về ở, anh chị đành phải chuyển ra ngoài sống riêng.
Sau đây là chia sẻ của anh Đức (36 tuổi) về những khó khăn của vợ chồng anh khi dồn tiền xây nhà cùng bố mẹ.
Khoảng 5 năm trước, sau khi có một khoản tích lũy kha khá, vợ chồng tôi đã dồn tiền xây nhà 3 tầng trên nền ngôi nhà cấp 4 ở chung với bố mẹ. Gia đình tôi có 4 chị em, tôi là con trai duy nhất. Cả bố mẹ và tôi đều xác định sẽ sống chung với nhau cả đời. Thế nên, khi ông bà có ý định xây lại nhà, chúng tôi quyết định làm khang trang luôn để bố mẹ phấn khởi và làm nơi sinh sống lâu dài.
Tôi làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, vợ tôi là bác sĩ nên thu nhập của cả hai rất tốt. Để xây ngôi nhà 3 tầng rộng 120m2 trên nền đất xấp xỉ 500m2, vợ chồng tôi đã góp hơn 1 tỷ đồng. Nhà có sân trước rộng rãi để lũ trẻ vui đùa thoải mái và vườn rau sạch phía sau. Tại tầng 1, tôi không ngăn nhiều phòng để làm nơi tụ tập cho các anh chị và cháu về chơi. Ba chị gái của tôi đều đã có gia đình. Trong đó, 1 người ở nội thành, 2 người khác ở làng bên, thi thoảng lại về đông đủ.
|
Vợ chồng anh Đức gặp nhiều phiền phức không đáng có khi dồn tiền xây nhà ở cùng bố mẹ. (Ảnh minh họa: Irishnews) |
Sau khi hoàn thiện, ngôi nhà trông rất bề thế khiến ai ghé chơi cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ. Cả đời sống trong nhà cấp 4 lụp xụp nên khi có nhà mới bố mẹ tôi mừng ra mặt. Tuy cả gia đình chỉ sử dụng hết 3 phòng nhưng tôi vẫn làm hẳn 6 phòng để các anh chị và cháu về chơi có chỗ ngủ nghỉ thoải mái. Hơn nữa, khi các con lập gia đình, có con thì chúng cũng không thiếu thốn không gian sinh hoạt.
Do nhiều khoản phát sinh khi xây nhà nên tôi phải vay thêm 200 triệu đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không lo lắng nhiều bởi việc lớn đã xong, nay túc tắc làm ăn trả nợ dần là được.
Thế nhưng, mọi chuyện diễn ra không như dự tính. Năm ngoái, bà chị gái thứ 2 chuẩn bị ly hôn vì chồng bạo hành, bố mẹ tôi xót con nên muốn đón mẹ con chị về ở cùng. Tuy không thoải mái và không hợp tính với chị ấy nhưng vợ chồng tôi vẫn phải đồng ý và nghĩ rằng khi mọi chuyện yên ổn chị sẽ chuyển ra ngoài. Thời gian cũng chỉ vài tháng, cùng lắm là 1 năm. Song, tình hình khác hẳn dự đoán.
Chị gái tôi có thể do tâm lý chưa ổn nên hay gây sự, tỵ nạnh với vợ tôi. Đồng thời, chị cũng rất hay so bì các cháu với con mình. Điều này khiến tôi rất khó xử và mệt mỏi.
Trước tình cảnh đó, nhiều lần tôi bảo mẹ gợi ý chị mua một mảnh đất trong làng (vợ chồng tôi sẵn sàng hỗ trợ một phần) làm nhà ở riêng. Tuy nhiên, mỗi lần mẹ tôi gợi ý là chị lại lu loa khóc lóc nên mọi việc vẫn như cũ. Nếu cứ tiếp diễn như này, chị em không từ mặt thì vợ chồng cũng đường ai nấy đi nên tôi quyết định mua mảnh đất cách nhà bố mẹ khoảng 1km làm nhà cấp 4 để ở riêng.
Trước đó, vợ chồng tôi đã dồn hết tiền làm nhà với bố mẹ nên khi xây nhà này tôi phải vay hầu hết nên không đầu tư được nhiều. Nhà rộng 70m2 gồm 3 phòng nhỏ, một khoảng sân vườn với những nội thất thiết yếu. Tuy nhiên, kể từ khi dọn ra ngoài ở, cuộc sống của gia đình tôi thoải mái hẳn.
Vậy nhưng, lúc này vấn đề lớn nhất của chúng tôi không phải là khoản nợ vay xây nhà mà là công tác tinh thần với bố mẹ. Hiện ông bà chưa thể chấp nhận việc chúng tôi ra ở riêng, lại sợ mang tiếng với làng xóm về việc gia đình lục đục khiến con trai phải ra ở riêng. Song, tôi tin rằng, theo thời gian các cụ sẽ nguôi ngoai khi thấy chúng tôi sống hạnh phúc, ngày ngày qua thăm nom, chăm sóc.
Đúng là "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", thực sự tôi không hối hận về việc dồn tiền xây nhà với bố mẹ bởi ở đời ai có thể lường tính hết mọi chuyện. Tuy nhiên, điều mà tôi thấm thía nhất là, ngôi nhà rộng đẹp, tiện nghi chưa chắc đã quyết định chất lượng cuộc sống mà chủ yếu là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Theo kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải (Tp.HCM), nhiều gia đình vẫn thích xây nhà 3-4 tầng dù nhu cầu sử dụng chỉ 2-3 phòng ngủ. Họ muốn làm dư vài phòng cho khách tới chơi hoặc người thân tá túc.
Đối với các vùng ngoại thành và gia chủ có thu nhập tốt như vợ chồng anh Đức thì việc xây nhà to không khó. Tuy nhiên, lựa chọn này có thể khiến họ gặp phải những rắc rối không đáng như sau: Chi phí xây dựng phát sinh; nhà to có nhiều phòng nên sẽ phát sinh chi phí cho bảo trì, dọn dẹp. Đặc biệt, việc xây phòng để đón khách, người thân có thể khiến họ mặc nhiên nghĩ chủ nhà mong họ đến. Thực tế cho thấy, việc có người khác ở trong nhà thời gian ngắn sẽ không sao nhưng nếu ở lâu sẽ khiến cuộc sống gia đình bị xáo trộn, dẫn tới những phiền phức khác.
Kiến trúc sư Hải cho rằng, gia chủ chỉ nên xây nhà vừa đủ cho nhu cầu, có thể làm phòng khách hoặc khu sinh hoạt chung rộng rãi hơn. Người thân hoặc khách tới chơi có thể ở ghép với các thành viên hoặc sử dụng phòng khách, phòng sinh hoạt chung làm nơi nghỉ ngơi. Cách này sẽ khiến người tới chơi vẫn cảm nhận được sự hiếu khách của gia chủ và hiểu rằng đó không phải là nơi mình có thể ở lại lâu dài.
Trong khi đó, theo chuyên viên tài chính cá nhân gia đình Bội Lê (Tp.HCM), khi xây dựng nhà cửa, chủ nhân rất khó lường trước những vấn đề gia đình phát sinh về sau. Quan trọng là, nếu sự việc xảy ra thì gia chủ nên tìm cách giải quyết sao cho hài hòa. Vợ chồng anh Đức còn thuận lợi vì thu nhập cao, không bị mắc kẹt vào đống nợ vay xây nhà. Tuy nhiên, họ nên nghĩ tới việc phân chia đất nền của bố mẹ sau này cũng như có phương án khéo léo để vừa giữ sự yên ấm trong gia đình vừa không ảnh hưởng lớn tới tài chính.
|