So với việc xây mới hoàn toàn, quá trình sửa nhà, cải tạo công trình đã xuống cấp đôi khi còn phức tạp hơn nhiều. Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, gia chủ rất dễ mắc phải sai lầm khiến việc thi công bị kéo dài, không đảm bảo chất lượng, thậm chí nhà sửa xong còn tồi tệ hơn tình trạng ban đầu.
Trong phạm vi bài viết này, Dothi.net chia sẻ với bạn đọc những sai lầm phổ biến mà nhiều gia chủ thường phạm phải khi sửa chữa, tân trang không gian sống.
Khi nào cần phải sửa nhà?
Ngôi nhà bạn đang ở sẽ gặp phải những hư hỏng nhất định theo thời gian hoặc có thể trở nên không hợp lý khi gia đình có sự thay đổi nào đó. Vì thế, gia chủ cần phải cải tạo lại căn nhà nhằm đảm bảo sinh hoạt được tiện lợi nhất. Bạn cần phải tính toán ngay tới việc sửa nhà nếu gặp phải những vấn đề như sau:
- Nhà xuống cấp, các cột chống bị rạn nứt, tường bong tróc hoặc nền nhà bị sụt lún nhưng kết cấu nhà vẫn đảm bảo an toàn, chưa đến mức phải đập đi xây mới;
- Tường nhà thường xuyên bị thấm nước;
- Hệ thống điện, nước gặp sự cố;
- Sơn phai màu, bong tróc gây mất thẩm mỹ;
- Phong thủy ngôi nhà không tốt, cần phải thay đổi.
Để có thể sở hữu một ngôi nhà như ý sau khi cải tạo, gia chủ cần tránh phạm phải những sai lầm phổ biến và nghiêm trọng sau đây:
Không có kế hoạch rõ ràng trước khi sửa nhà
Dù sửa chữa cả ngôi nhà hay chỉ một phòng, gia chủ đều phải lên kế hoạch thật chi tiết. Bởi lẽ, việc cải tạo nhà sẽ có nhiều mục đích khác nhau, gồm nhiều công đoạn và hạng mục nên nếu không có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là rủi ro trong quá trình thi công. Với một bản kế hoạch chi tiết, chủ nhân sẽ có được cái nhìn tổng quan về ngôi nhà và sửa chữa những chỗ bị hư hỏng một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí nhất.
|
Trước khi bắt tay vào sửa nhà, gia chủ cần lên kế hoạch thật rõ ràng và chi tiết. |
Hơn nữa, nếu không có kế hoạch sửa nhà rõ ràng, tâm lý của gia chủ dễ bị lung lay, xáo trộn hoặc bất đồng ý tưởng bởi những hướng dẫn, chỉ bảo của người khác, ảnh hưởng tới tiến độ cũng như ý tưởng ban đầu.
Chính vì thế, trước khi bắt đầu cải tạo nhà, bạn cần lên một kế hoạch cụ thể, xác định rõ mục đích sửa chữa là gì, sửa nhưng khu vực chức năng nào, nơi nào sửa trước, chỗ nào sửa sau và sửa sẽ sửa như thế nào. Nếu sửa nhà với mục đích làm đám cưới hoặc đón Tết, gia chủ cần lên kế hoạch trước từ 3-4 tháng và kết thúc ít nhất trước sự kiện 10 ngày để có thể đảm bảo một không gian nhà hoàn chỉnh, đẹp mắt và an toàn.
Để đảm bảo kế hoạch phù hợp, có tính an toàn cao, gia chủ nên tìm đến sự giúp đỡ cũng như tư vấn từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm về cải tạo nhà.
Không dự trù kinh phí sửa nhà cụ thể và chi tiết
Kế hoạch sửa nhà sẽ quyết định mức phí dự trù là bao nhiêu. Nếu có kế hoạch rõ ràng, dự trù vật liệu, dự trù rủi ro một cách cụ thể thì dự trù kinh phí cho từng hạng mục cũng được liệt kê chi tiết và sát với thực tế hơn. Theo đó, gia chủ không cần chuẩn bị số tiền quá lớn hoặc lo lắng thiếu hụt tài chính trong quá trình sửa nhà.
Nếu không liệt kê cụ thể vật liệu dự trù thì rất khó xác định dự trù kinh phí cải tạo công trình. Dĩ nhiên, để có thể đáp ứng được tất cả các hạng mục, nhu cầu phát sinh trong quá trình thi công, bạn cần chuẩn bị nguồn tài chính lớn.
|
Để việc sửa nhà diễn ra suôn sẻ, mang lại kết quả như ý, bạn cần dự trù kinh phí cải tạo một cách thật cụ thể và chi tiết. |
Kế hoạch tài chính nếu không rõ ràng, hợp lý thì gia chủ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khôn lường. Chẳng hạn, khi thiếu vật liệu, phát sinh nhu cầu sửa chữa hoặc các công đoạn chưa hoàn thiện... khiến bạn phải đi vay mượn thêm, cắt bớt hạng mục sửa chữa, thậm chí là ngừng thi công. Thế nên, thời gian sửa nhà sẽ bị kéo dài, gia chủ luôn lo lắng kinh phí gia tăng, kết quả không như mong đợi.
Trên thực tế, ngân sách dành cho việc cải tạo nhà không hề nhỏ, nhất là khi gia chủ muốn có những thay đổi lớn về kiến trúc nội - ngoại thất. Do đó, bạn cần ước lượng được chi phí cơ bản, những rủi ro có thể làm phát sinh chi phí, đồng thời xem xét khả năng tài chính của mình có đáp ứng được hay không.
Để tránh bị đội giá và dự trù được kinh phí phù hợp, bạn cần tìm hiểu về giá cả thị trường trong thiết kế, thi công cải tạo nhà và giá nguyên vật liệu.
Chọn nhà thầu đưa ra mức giá thấp nhất, nhà thầu không uy tín
Khi sửa nhà, chi phí là một trong những vấn đề mà gia chủ rất quan tâm. Để tiết kiệm kinh phí, nhiều gia đình thường lựa chọn nhà thầu đưa ra mức giá thấp nhất. Thực tế cho thấy, đây không phải là quyết định khôn ngoan. Nếu lựa chọn nhà thầu đưa ra giá thấp nhất thì chất lượng công trình có thể sẽ không được đảm bảo. Bên cạnh giá thành, chủ nhân cần lưu tâm tới vật liệu thi công, chất lượng công trình mà bên nhà thầu thực hiện.
Nếu chọn phải nhà thầu không uy tín, bạn sẽ phải đối mặt với những rủi ro như sử dụng vật liệu sai cách gây lãng phí, tiến độ sửa nhà dễ bị kéo dài, chất lượng công trình không đảm bảo, dễ hư hỏng và thậm chí có thể trở về trạng thái ban đầu khi chưa sửa chữa. Phạm phải sai lầm này, gia chủ không chỉ tốn nhiều công sức, tiền bạc, thời gian mà còn rước bực vào người.
|
Gia chủ cần lựa chọn được nhà thầu, đội thợ thi công uy tín khi sửa nhà. |
Do vậy, trước khi sửa nhà, bạn cần tìm hiểu và kiểm tra kỹ lưỡng về đơn vị thi công hoặc nhà thầu. Chủ nhà nên đặt những câu hỏi như nhà thầu có đủ năng lực để bàn giao nhà đúng hạn? Họ có quá bận rộn để làm công việc này hay không? (phòng trường hợp nhà thầu nhận quá nhiều công trình cùng lúc)...
Đừng vì giá thành nhân công rẻ hay đang thiếu thợ trầm trọng mà mạo hiểm thuê thợ. Gia chủ có thể nhờ người am hiểu giới thiệu đội thợ thi công và kiểm tra chất lượng công trình mà họ từng làm trước đây.
Đơn vị thi công hay nhà thầu uy tín sẽ có hệ thống quản lý chất lượng công trình với thợ thi công lành nghề, đội ngũ kỹ sư giám sát đầy kinh nghiệm, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Chắc chắn họ sẽ hiểu được bạn muốn gì và bàn giao cho bạn một ngôi nhà vừa ý.
Chọn phong cách không phù hợp, chạy theo mốt
Việc gia chủ lựa chọn phong cách kiến trúc nội - ngoại thất không phù hợp là một trong những sai lầm khi sửa nhà, ảnh hưởng lớn tới giá trị thẩm mỹ tổng thể của ngôi nhà.
Trong một thời điểm nhất định sẽ có những trào lưu, xu hướng về mẫu nhà được nhiều người ưa chuộng, thậm chí đổ xô chạy theo. Tuy nhiên, bạn nên tránh chạy theo những phong cách nội thất quá thời thượng bởi sau này có thể không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình mình.
Thay vào đó, hãy chọn những món đồ cần thiết sử dụng trong thời gian dài mà ít bị hư hỏng bởi điều quan trọng nhất là vật dụng phải đáp ứng được nhu cầu thực tế, đảm bảo mang lại cho bạn một cuộc sống thật tiện nghi và thoải mái. Tùy vào điều kiện chung của ngôi nhà, ngoại cảnh xung quanh, gia chủ sẽ lựa chọn được phong cách phù hợp. Tuy vậy, bạn hoàn toàn có thể chọn vài món đồ nhỏ như bàn trang điểm, ghế ngồi đọc sách, phụ kiện trang trí hợp mốt và sở thích.
Chọn sai màu sơn
Việc sử dụng sai loại sơn, màu sơn hoặc sơn nhà không đúng cách sẽ hình thành các vệt làm cho việc che đậy những hỏng hóc trước đó càng trở nên tồi tệ hơn. Điều này vừa ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của công trình, vừa tác động tiêu cực tới chất lượng tường nhà cũng như cơ hội cải tạo trong tương lai. Do vậy, bạn nên chọn sơn chất lượng cao và chuẩn bị thật kỹ các bề mặt quanh nhà trước khi sơn mới.
|
Nếu mảng tưởng hư hỏng quá lớn, bạn nên thi công và sơn lại toàn bộ không gian tường. |
Nếu bạn muốn sơn lại một phần tường của ngôi nhà được trùng với màu sơn cũ thì cần tìm hiểu màu sơn cũ thuộc hãng nào, mã sơn bao nhiêu để mua cho đúng. Nếu không rõ về màu sơn cũ, bạn nên nhờ tư vấn từ chuyên gia để lựa chọn được mẫu sơn, pha trộn chính xác. Trong trường hợp mảng tưởng hư hỏng quá lớn, gia chủ nên thi công và sơn lại toàn bộ không gian tường.
Đồ cũ - mới kết hợp không hài hòa
Khi sửa nhà ai cũng có nhu cầu thay đổi những vật dụng đã cũ kỹ, không còn hợp thời. Tuy nhiên, bạn không thể thay thế hoàn toàn nội thất. Hơn nữa, việc tận dụng đồ cũ sẽ giúp tiết kiệm một khoảng chi phí đáng kể trong cải tạo, sửa chữa nhà cửa.
Nếu bạn không lựa chọn hợp lý món đồ nào nên giữ lại có thể hòa hợp với phong cách mới của căn nhà hoặc không biết chọn nội thất mới hài hòa với đồ cũ sẽ khiến ngôi nhà trở nên lộn xộn, thiếu thẩm mỹ.
Vì vậy, gia chủ cần nghiên cứu kỹ tỷ lệ đồ đạc, chất liệu nội thất cũng như xác định phong cách chủ đạo xuyên suốt để phối kết đồ cũ - mới thành một khối thống nhất, giúp tận dụng tối đa diện tích nhà. Trước khi sắm nội thất mới nên đo đạc diện tích, kích thước phòng. Bạn có thể tham vấn ý kiến của kiến trúc sư hoặc người có kinh nghiệm để đạt được thành quả như ý.
Không quan tâm đến xu hướng, mục đích sử dụng nhà trong tương lai
Thông thường, khi đang sửa chữa một ngôi nhà cũ, gia chủ có xu hướng tập trung quá nhiều vào hiện tại mà bỏ qua mục đích sử dụng nhà trong tương lai. Ví dụ, trong vài ba chục năm nữa, liệu thiết kế và vật liệu có bị lỗi mốt? hoặc những chi tiết nào sẽ khiến công trình sẽ trở nên bắt mắt hơn? Có cần thêm hạng mục hồ bơi, sân vườn, phòng ngủ dự phòng...
Không giám sát chặt chẽ giai đoạn nghiệm thu
Gia chủ nhất định phải kiểm tra kết quả cuối cùng để đảm bảo quá trình cải tạo nhà đạt kết quả như ý. Vậy nhưng, nhiều gia đình thường quá tin tưởng đội thợ mà không thực hiện giám sát chặt chẽ việc nghiệm thu. Đây được xem là một trong những sai lầm phổ biến khi sửa nhà và để khắc phục thường tốn rất nhiều thời gian lẫn kinh phí. Tốt nhất, ngay từ đầu, gia chủ cần giám sát các giai đoạn thi công một cách chặt chẽ.
Tự sửa nhà
|
Việc gia chủ tự sửa nhà có thể gây nên "thảm họa" nếu không có đủ kỹ năng và kiến thức. |
Rất nhiều người chọn cách tự sửa nhà để tiết kiệm tối đa chi phí. Nếu bạn có đủ kỹ năng và khả năng tự cải tạo ngôi nhà thì đây sẽ là lựa chọn đúng. Còn nếu bạn tự sửa nhà dựa vào bản năng và phỏng đoán là chủ yếu thì chắc chắn kết quả đạt được sẽ không như ý, thậm chí có thể gây ra một "thảm họa" cực kỳ tốn kém cả về công sức, thời gian lẫn tiền của.
Trước khi tự sửa nhà, gia chủ cần tự trả lời những câu hỏi như: Trước đây, bạn đã từng tham gia cải tạo bất cứ căn nhà nào hay chưa? Liệu bạn có tự tin hoàn thành tốt công việc như một người thợ hiểu biết và lành nghề? Trong trường hợp câu trả lời là không thì bạn nên tìm đến các chuyên gia, người có chuyên môn, kinh nghiệm để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.
Thay đổi vào ý tưởng vào phút chót
Khi các công đoạn sửa nhà gần hoàn tất, bạn nên hạn chế việc thay đổi thiết kế, đặc biệt là với những chi tiết quan trọng. Việc sửa nhà vì thế sẽ tốn thêm thời gian và chi phí. Do vậy, ngay từ đầu, gia chủ cần có những quyết định chính xác, phù hợp nhất về bản thiết kế. Nếu còn điều gì băn khoăn thì bạn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi thi công.
Không có phương án dự phòng
Không ai muốn có những vấn đề phát sinh trong quá trình sửa nhà. Vậy nhưng, quá trình cải tạo nhà hiếm khi chuẩn xác theo kế hoạch đã đặt ra. Tuy nhà thầu đã đưa ra kế hoạch sửa chữa chi tiết về thời gian, kinh phí nhưng mọi việc đều có thể bị xê dịch trong quá trình thi công bởi nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Vì thế, bạn vẫn cần có các phương án dự phòng. Theo đó, gia chủ nên dự phòng tối thiểu 10-15% thời gian cũng như kinh phí sửa nhà.
Không lưu ý tới tuổi của ngôi nhà
|
Bạn nên cung cấp chính xác tuổi của ngôi nhà cho kiến trúc sư, nhà thầu để có được kế hoạch cải tạo cụ thể, sát với thực tế nhất. |
Bỏ qua tuổi của ngôi nhà cũng là sai lầm nhiều người phạm phải khi cải tạo, sửa chữa. Bởi lẽ, tuổi của công trình có liên quan mật thiết tới những vấn đề về cấu trúc. Những ngôi nhà càng "cao tuổi" càng dễ gặp phải nhiều vấn đề dưới bề mặt. Chẳng hạn, dưới các bức tường có thể xuất hiện mối hoặc gỗ đã mục nát. Bên cạnh đó, hệ thống dây điện có thể bị hỏng hóc, không còn đầy đủ hoặc hệ thống ống nước đã đến lúc phải thay thế...
Về tuổi của ngôi nhà, có 3 trường hợp sau:
- Nhà cũ đã qua 30 năm sử dụng: Nếu trần và tường nhà đều bong tróc, nứt mạnh, không đảm bảo an toàn thì phần khung đã quá cũ, không còn có khả năng chống đỡ, lớp vữa bung ra, dễ bị thấm dột, thậm chí nhiều phần bê tông bị nứt hở cả thép chịu lực bên trong. Do đó, gia chủ cần xây mới để đảm bảo an toàn và tiện nghi cho cuộc sống về sau. Trong trường hợp này, bạn không cần phải băn khoăn có nên sửa nhà hay không, hãy mạnh dạn phá dỡ nhà cũ để xây một ngôi nhà mới theo thiết kế mà bạn mong muốn.
- Nhà cũ dưới 30 năm (khoảng 20 năm): Nếu nhà có dấu hiện rạn nứt, khó xây thêm tầng thì bạn cũng nên đập đi xây mới. Trường hợp gia chủ vẫn muốn cải tạo để tiết kiệm chi phí và tận dụng khung kiến trúc cũ thì chỉ sau một thời gian ngắn lại phải đập đi xây lại từ đầu, rất tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc.
- Nhà cũ đã sử dụng từ 10-20 năm: Có thể tường nhà đã bị nứt nẻ, bong tróc song không đáng kể. Với những ngôi nhà này, khung kết cấu còn chắc nên gia chủ có thể cải tạo xây thêm tầng, sửa chữa lại nội thất và sơn mới để có được một không gian mới tiện nghi, thoáng đẹp hơn.
Bỏ qua yếu tố phong thủy
Thông thường, hạn làm nhà chỉ tính cho việc động thổ xây mới hoặc cải tạo lớn trong nhà. Trong khi đó, đối với những sửa chữa nhỏ hay hoàn thiện nội thất thì gia chủ không cần phải quá lo ngại Tam Tai, Kim Lâu hay Hoang Ốc. Gia chủ chỉ cần chọn ngày giờ tốt để thực hiện.
Ngoài ra, việc sửa nhà có thể sẽ phải động chạm tới nhiều khu vực như cửa chính, phòng khách, cửa sổ, trần nhà, hệ thống nước... Tính chất phong thủy tốt của ngôi nhà sẽ bị ảnh hưởng nhất định trong trường hợp phải cải tạo quá nhiều. Tốt nhất, trước khi bắt tay vào sửa nhà, bạn nên tham khảo ý kiến của kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy thật kỹ lưỡng những vấn đề này.
Tham khảo thêm: Có nên sửa nhà vào tháng 7 âm? Lưu ý khi sửa nhà trong tháng cô hồn?