Nhà phố hiện nay hầu hết đều có đặc điểm chung là bị che hai phía hoặc thậm chí ba phía nên việc tận dụng ánh sáng tự nhiên gặp nhiều hạn chế. Thông thường, chỉ có thể lấy sáng phía trước, phía sau và từ trên cao xuống
Nhà phố hiện nay hầu hết đều có đặc điểm chung là bị che hai phía hoặc thậm chí ba phía nên việc tận dụng ánh sáng tự nhiên gặp nhiều hạn chế. Thông thường, chỉ có thể lấy sáng phía trước, phía sau và từ trên cao xuống
Dù lấy sáng ở hướng nào thì ánh sáng tự nhiên khi vào nhà cũng có độ chói, độ nóng và bức xạ. Để xử lý những hạn chế này, cần phối hợp giữa yếu tố kiến trúc, kích thước của cửa và vật liệu sử dụng.
Ánh sáng từ phía trước thường là ánh sáng trực tiếp, mặt tiền rộng nên ánh sáng sẽ nhiều nhất cho các không gian bên trong. Có thể tận dụng đưa ánh sáng vào bằng các khoảng cửa với diện tích thích hợp. Để lấy được ánh sáng theo ý muốn và giảm nhiệt, nên sử dụng lam, mành, lớp mặt nạ, cây xanh…
Ánh sáng từ phía sau nhà là ánh sáng phụ trợ cho các phần không gian phía sau (phần trống phía này thường hẹp và bị các nhà lân cận che khuất). Để tận dụng được nhiều ánh sáng, người ta làm cửa mở lớn theo bề ngang của nhà.
Ánh sáng từ trên cao được lấy từ giếng trời. Không gian này thường thiết kế ở giữa nhà và có diện tích lớn hơn hoặc bằng 10% diện tích mặt bằng. Mái của giếng trời vẫn phải dùng vật liệu như kính màu, dán phim chống nhiệt, tấm polycarbonate hoặc làm hệ lam để vừa giảm chói vừa trang trí. Hồ cá bằng kính chịu lực đặt phía trên các phòng, hành lang… sẽ giúp phản chiếu và đưa thêm ánh sáng xuống bên dưới, đồng thời tạo cảm giác mát mẻ.
Để ánh sáng đi sâu vào bên trong nhà, nên hạn chế làm nhiều vách đặc. Thay vào đó, nên sử dụng vách lấy sáng, có thêm khoảng thông gió, sử dụng bông gió. Các vách tường hai bên hông nhà không thể mở ra khoảng trời có thể lấy sáng bằng vật liệu xuyên sáng, các góc hẹp tạo khe lấy sáng, thông gió hoặc cửa linh hoạt. Có nơi còn lấy sáng bằng cách thiết kế cánh cửa có tấm phản quang để hắt ánh sáng lên trần nhà mà không làm chói.
(Theo SGTT)