Công trình nằm trong một hutong ở quận Dongcheng (Bắc Kinh, Trung Quốc), được cải tạo lại cách đây vài năm từ quần thể nhà được xây theo kiến trúc tứ hợp viện.
Tứ hợp viện là dạng công trình rất phổ biến ở Trung Quốc trước đây, gồm các quần thể nhà ở xây quanh sân trong vuông vức, các mái nhà được thiết kế nhô ra ngoài để che mưa và tạo bóng mát cho khoảng sân. Có vai trò tương tự như phòng khách, khoảng sân trong cũng là không gian ngoài trời riêng tư để các gia đình quây quần bên nhau. Khoảng cách giữa các ngôi nhà tứ hợp viện tạo nên các ngõ hẻm mà người Trung Quốc gọi là hồ đồng (hutong) và hình thành nên các con đường lưu thông trong thành phố.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, tứ hợp viện Bắc Kinh vốn là nơi nhiều gia đình cùng sinh sống, điều này gây ra nhiều bất tiện bởi tứ hợp viện truyền thống thường được xây không cao quá 2 tầng. Vì thế, trước sức ép về dân số, những nhà quy hoạch, phát triển đô thị thường chuộng nhà chung cư hơn là kiểu nhà tứ hợp viện truyền thống. Tuy vậy, cũng có không ít dự án đang cố gắng tạo nên một cảm giác mới mẻ bằng cách cải tạo lại những công trình được xây dựng theo kiến trúc tứ hợp viện. Ngôi nhà được cải tạo lại mà Dothi.net giới thiệu dưới đây là một công trình như vậy.
|
Công trình trước khi được cải tạo. |
|
Sau cải tạo, mặt tiền ngôi nhà không có gì thay đổi. Tòa nhà được tân trang trở nên mới mẻ hơn nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu, gồm 2 lối vào và 10 phòng chính. Lối vào thứ hai có 2 cây to. |
|
Vào mùa xuân và mùa hè, cây lá phát triển xum xuê, các tán cây cổ thụ sẽ bao phủ toàn bộ khu vực sân trong. Khi đông về, lá cây rụng xuống, chỉ còn các cành cây khẳng khiu đổ bóng lên bức tường gạch cạnh đó. |
|
Toàn bộ công trình có 10 phòng được xây dựng trên diện tích 280m2. |
Thách thức lớn nhất mà đội ngũ kiến trúc sư gặp phải là làm sao để tối đa hóa chất lượng không gian trong một bố cục cực kỳ nhỏ gọn như vậy. Và khoảng sân trong sẽ là nơi được họ tối ưu nhiều nhất.
Trong kiến trúc truyền thống của người Trung Hoa, khoảng sân trong đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các ngôi nhà trong tứ hợp viện đều có cửa mở ra khoảng sân này. Cửa sổ và cửa kính trong suốt vốn có giúp đảm bảo phần nào sự riêng tư, đồng thời cho phép ánh sáng chiếu xuyên vào không gian bên trong. Tuy nhiên, các kiến trúc sư vẫn hy vọng rằng mỗi phòng vẫn có được sự riêng tư cần thiết và ánh sáng chan hòa nhưng phải có tầm nhìn tuyệt đẹp sau khi cải tạo. Vì thế, họ đã tạo ra 10 khoảng sân nhỏ từ 2 khoảng sân lớn ban đầu.
|
Thay vì để các phòng đều nhìn ra cùng một khoảng sân trong thì các kiến trúc sư đã điều chỉnh thiết kế bằng cách tạo ra các khoảng sân riêng trước cửa phòng và thu hẹp diện tích khoảng sân chung ở giữa. |
|
Không gian trở nên thú vị hơn nhờ những góc lõm trên tường. |
10 khoảng sân riêng có chiều dài và chiều rộng khác nhau tùy thuộc vào kích thước của từng căn phòng. Trong đó, khoảng sân nhỏ nhất có diện tích 3m2 và lớn nhất là 6m2.
|
Bức tường phân chia giữa các khoảng sân được xây cao 2m nhằm đảm bảo sự riêng tư cần thiết cho các phòng bên trong. |
|
Đồng thời, bức tường này cũng có vai trò hướng tầm mắt của mọi người lên phía trên để ngắm nhìn 2 cây cổ thụ ở khoảng giữa nhà. |
|
Tường bao được xây bằng gạch xanh truyền thống với chiều dày mạch vữa khoảng 1cm giống như tường nhà. |
Khoảng sân riêng số 2 và số 10 lúc đầu được lợp mái bằng bê tông, tuy nhiên, sau đó, các kiến trúc sư đã mở lỗ trên mái sân để đón ánh sáng tự nhiên cho không gian này vào ban ngày. Cụ thể, một lỗ dài hẹp được mở ra ở trên mái của khoảng sân số 2 và một lỗ tròn được mở ở khoảng sân thứ 10.
|
Căn phòng có trật tự cấu trúc rõ ràng, các cột và xà gỗ nổi bật trên nền tường trắng. |
|
Khu vực ăn uống và khu vực văn phòng được mở rộng về phía Tây. |
|
Phòng của nhân viên còn được thiết kế thêm gác mái để mở rộng không gian. |
|
Các cột gỗ ban đầu vẫn được giữ nguyên và trở thành điểm nhấn cho công trình sau khi cải tạo. |
|
Bản vẽ phối cảnh công trình. |
|
Mặt cắt công trình trước khi cải tạo. |
|
Các khoảng sân riêng được lồng ghép khéo léo vào khoảng sân chung sau cải tạo. |