Chi phí cải tạo nhà luôn là mối bận tâm hàng đầu của gia chủ khi sửa sang một ngôi nhà cũ. Bạn nên có kế hoạch rõ ràng cho việc này để tiết kiệm chi phí sửa nhà và tránh được những rủi ro phát sinh không đáng có.
Hầu như ai cũng muốn cắt giảm chi phí cải tạo nhà để tiết kiệm tiền, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế khó khăn như hiện nay. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi chia sẻ tới độc giả một số cách để giảm thiểu chi phí khi thực hiện một dự án cải tạo nhà ở. Bạn có thể tham khảo và áp dụng linh hoạt cho từng trường hợp cụ thể.
1. Những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí cải tạo nhà
Cải tạo nhà có thể làm tăng giá trị của tài sản, nhưng nó cũng có thể tốn rất nhiều chi phí. Để có thể cắt giảm, tiết kiệm tối đa chi phí sửa nhà, bạn cần biết những yếu tố sẽ ảnh hưởng tới tổng kinh phí xây dựng, sửa chữa sau đây.
Hiện trạng công trình
Trước hết, bạn cần lưu ý đến tình trạng thực tế của ngôi nhà trước khi sửa chữa để ước tính chi phí. Gia chủ nên kiểm tra kỹ lưỡng hiện trạng của căn nhà để có giải pháp cải tạo phù hợp.
Bạn cần trả lời những câu hỏi như: Nền đất có sẵn có đảm bảo an toàn cho việc thi công, xây dựng không? Việc sửa chữa có ảnh hưởng đến hệ thống đường ống cấp thoát nước, hệ thống điện? Bạn muốn phá dỡ tường hoặc thay đổi toàn bộ hệ thống cửa?... Trong đó, Nền đất thường là phần khá tốn chi phí vì có thể cần phải xý lý móng, kết cấu chịu lực của ngôi nhà.
Điều kiện thi công
Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chi phí cải tạo nhà. Nhà có diện tích quá nhỏ (dưới 30m2), hẻm nhỏ hơn 4m thường được coi là điều kiện thi công bất lợi, gây khó khăn trong việc vận chuyển vật tư, máy móc, ép cọc, đổ bê tông... đẩy phí nhân công lên cao hơn.
Địa điểm xây dựng
Đơn giá sửa nhà khác nhau tùy từng khu vực. Tại các thành phố lớn, chi phí sửa nhà sẽ cao hơn (nhà thầu cung cấp dịch vụ sửa nhà trọn gói) so với vùng nông thôn (chủ nhà tự thuê nhân công, tự mua vật tư...). Ngay trong một thành phố, giá xây dựng, cải tạo nhà cũng khác nhau giữa các quận, huyện.
|
Địa điểm xây dựng, điều kiện thi công, hiện trạng nhà cũ... là những yếu tố có tính quyết định đến tổng chi phí cải tạo nhà. Ảnh minh họa |
Thời điểm xây dựng
Giá vật tư từng thời điểm khác nhau nên giá xây dựng, cải tạo nhà cũng sẽ khác nhau. Thực tế cho thấy, giá cả nguyên vật liệu trên thị trường luôn biến động, bạn nên tìm hiểu để chọn thời điểm sửa nhà phù hợp, giúp giảm thiểu kinh phí tối ưu. Cũng nên tránh cải tạo nhà vào mùa mưa, dễ bị gián đoạn do điều kiện thời tiết. Thời gian thi công kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chi phí.
Phong cách thiết kế
Phong cách thiết kế mà bạn chọn khi cải tạo nhà cũng là yếu tố quyết định đến tổng chi phí. Hiện có rất nhiều phong cách thiết kế để bạn lựa chọn, từ cổ điển, tân cổ điển đến hiện đại, đương đại, Vintage, Indochine...
Mỗi phong cách cách đòi hỏi cách thiết kế, bài trí và nội thất sử dụng khác nhau. Thường thì phong cách cổ điển hoặc tân cổ điển thường rất cầu kỳ, phức tạp nên chi phí thiết kế, thi công sẽ cao hơn so với phong cách hiện đại, đơn giản.
Vật tư xây dựng, hoàn thiện
Vật tư xây dựng, hoàn thiện có nhiều loại khác nhau với mức giá tương ứng khác nhau. Do đó, việc gia chủ lựa chọn loại vật tư thông thường hay vật tư cao cấp sẽ quyết định tổng chi phí cải tạo nhà là bao nhiêu. Yếu tố này ảnh hưởng lớn đến chi phí xây, sửa nhà. Chỉ cần thay đổi chủng loại vật tư thì chi phí cải tạo, xây dựng cũng sẽ thay đổi, hoặc tăng lên hoặc giảm xuống.
Đơn vị thi công
Chi phí cải tạo nhà còn phụ thuộc vào đơn vị thi công và thời gian thi công. Thông thường, có hai hình thức trả công là tính theo ngày công hoặc khoán. Dù chọn hình thức nào thì gia chủ cũng nên giám sát thi công chặt chẽ để việc sửa nhà diễn ra thuận lợi, tránh bị gián đoạn, kéo dài ảnh hưởng dễ phát sinh thêm chi phí.
2. Làm thế nào để tiết kiệm chi phí cải tạo nhà?
Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí sửa chữa, cải tạo nhà, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
Biết rõ ngân sách của mình
Trước khi bạn bắt đầu, điều cần thiết là phải quyết toán ngân sách. Theo đó, hãy quyết định những gì bạn có thể chi trả cho dự án cải tạo nhà. Bằng cách này, bạn có thể lập kế hoạch sử dụng số tiền bạn cho từng phần của việc mở rộng hoặc trang trí lại nhà ở. Đây là điều cần thiết để tiết kiệm tiền, bởi bạn nắm rõ chi phí sửa chữa nhà ở là bao nhiêu.
Bạn cũng cần lập ngân sách cho một khoản "chi tiêu bất ngờ" bởi đôi khi không thể tránh khỏi chi phí phát sinh cần thiết. Dĩ nhiên, thật tốt nếu mọi thứ tốn ít hơn so với dự định của bạn.
>>> Xem thêm:
Lên kế hoạch cải tạo nhà cụ thể
Bạn cần chuẩn bị một kế hoạch cụ thể về những hạng mục cần đầu tư sửa chữa hay xây mới kèm chi phí dự trù để đảm bảo rằng chi phí sữa chữa nhà phù hợp với từng công đoạn. Điều này giúp hạn chế tối đa chi phí phát sinh trong quá trình cải tạo nhà cũ. Trước hết, cần lập danh sách tu sửa ưu tiên.
|
Nếu không có kế hoạch cải tạo nhà cụ thể, quá trình thi công sẽ phát sinh nhiều vấn đề, tốn thêm chi phí và thời gian. Ảnh minh họa |
- Lên danh sách hạng mục ưu tiên đầu tư
Kinh nghiệm cho thấy, cách dễ nhất và hiệu quả nhất để duy trì, tiết kiệm ngân sách trong quá trình cải tạo nhà là biết chính xác những gì mình muốn và thứ tự làm chúng. Gia chủ cần trả lời những câu hỏi như: Sẽ cải tạo nhà theo phong cách nào? Những hạng mục chi tiết cần thực hiện? Hạng mục nào mà bạn có thể sẵn sàng chi tiền?...
Sau khi khảo giá trên thị trường, bạn nên liệt kê tất cả những thứ cần thiết phải mua và dự trù khoảng tiền nhất định cho việc đó.
Tốt nhất, bạn hãy trao đổi, bàn bạc cùng kiến trúc sư để lên bản vẽ thiết kế phù hợp với ngân sách, nhu cầu. Nguyên tắc quan trọng là, bạn cần bám sát bản dự trù chi phí ban đầu, đừng bổ sung quá nhiều các hạng mục không có trong kế hoạch nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.
- Lập kế hoạch cải tạo chi tiết kèm chi phí dự kiến
Sau khi đã xác định được các hạng mục ưu tiên cải tạo, bạn hãy lập kế hoạch tu sửa chi tiết gồm cả chi phí dự trù. Bạn cần có một kế hoạch chi tiết và nghiên cứu kỹ lưỡng nó để có thể xây dựng ngân sách khả thi. Với ngân sách sửa nhà chi tiết, gia chủ thuận tiện hơn khi trao đổi với nhà thầu.
Cụ thể, gia chủ hãy lập một bảng tính gồm từng phần của dự án cùng chi phí ước tính cho vật tư và công thợ thi công. Thông thường, chi phí cải tạo gồm các khoản sau:
- Chi phí nhân công chiếm từ 20-35% tổng ngân sách.
- Chi phí nguyên vật liệu xây dựng, hoàn thiện nhà.
- Chi phí vận chuyển, lắp đặt; chi phí tháo dỡ.
- Chi phí sinh hoạt trong thời gian cải tạo nhà như thuê chi phí gửi đồ đạc, thuê trọ tạm.
Chi phí sửa nhà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu của gia chủ, chất liệu thi công, hiện trạng công trình... Sau đây là cách ước tính chi phí cải tạo cụ thể, giúp bạn đưa ra được một mức giá cải tạo nhà cũ trung bình.
- Chi phí sửa nhà cấp 4, nhà 1 tầng: Thường thì chi phí trung bình khoảng 5-10 triệu đồng/m2.
- Chi phí cải tạo nhà tầng: So với nhà 1 tầng, chi phí sửa nhà cao tầng sẽ cao hơn nhiều do kết cấu phức tạp hơn. Phí cải tạo nhà cao tầng thường tăng thêm 50% phí cải tạo nhà 1 tầng. Ví dụ, chi phí sửa nhà 1 tầng là 50 triệu thì chi phí sửa nhà 2 tầng là 50 triệu + 50% x 50 triệu = 75 triệu đồng.
Lưu ý, nếu công trình xây thêm tầng thì bạn cần tìm hiểu thêm về việc xin giấy phép xây dựng sửa chữa, cải tạo nhà.
- Cải tạo phòng ngủ: Để tiết kiệm chi phí khi cải tạo phòng ngủ, bạn có thể thay đổi những chi tiết nhỏ ít tốn kém như thay mới rèm cửa, thay mẫu giấy dán tường, sơn mới tường phòng, thay đèn trang trí hoặc đổi bố cục bài trí nội thất.
- Chi phí cải tạo nhà bếp: Phòng bếp là không gian chức năng đặc thù trong nhà, đòi hỏi hệ thống trang thiết bị mang tính đặc trưng, chuyên dụng. Khi cải tạo bếp, bạn có thể phải can thiệp vào hệ thống đường ống cung cấp nước, thoát nước. Chưa kể, nội thất và trang thiết bị nhà bếp cũng khá tốn kém nếu bạn thay mới hoàn toàn.
Chỉ cải tạo những không gian thật sự cần thiết
Tốt nhất, bạn nên bàn bạc với kiến trúc sư, nhà thầu để xác định rõ ràng ngay từ đầu những không gian nào cần phải đầu tư cải tạo, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu thực tế của gia đình.
Cần xác định số phòng ngủ, phòng vệ sinh, kích thước các phòng, lối đi lại hợp lý để tránh trường hợp bỏ trống, không sử dụng hoặc ít khi sử dụng đến. Điều này sẽ giúp bạn cắt giảm được chi phí sửa nhà cũng như tranh được những rủi ro phát sinh không đáng có.
|
Gia chủ cần xác định rõ ràng về các hạng mục ưu tiên đầu tư và những chi tiết không cần thiết để có thể cắt giảm chi phí tối ưu. Ảnh minh họa |
Ưu tiên phong cách đơn giản
Nên đảm bảo rằng kế hoạch cải tạo của bạn không quá phức tạp bởi thiết kế đơn giản thường không đòi hỏi quá nhiều chi phí. Cũng đừng chạy theo công nghệ, hàng hiệu nếu điều kiện tài chính có hạn.
Với kinh phí vừa phải, gia chủ nên chọn phong cách thiết kế đơn giản với vật liệu vừa tầm, bền chắc, hài hòa với tổng thể không gian. Có rất nhiều cách cải tạo nhà đơn giản mà vẫn đảm bảo cả về công năng lẫn tính thẩm mỹ.
Sử dụng vật liệu tái chế, tái sử dụng nội thất cũ
Hãy suy nghĩ sáng tạo về các vật liệu mà bạn sử dụng. Vật liệu rẻ hơn giúp bạn tiết kiệm chi phí. Bạn có thể sử dụng ván ép hoặc gỗ mềm thay vì gỗ cứng cho một số khu vực trong nhà; để một vài bức tường gạch lô thiên tạo điểm nhấn mộc mạc, ấm cúng. Nếu đập bỏ một bức tường, hãy tái sử dụng gạch để xây một phần khác của ngôi nhà.
Bạn có thể tận dụng vật liệu, nội thất từ nhà cũ và khoác lên chúng "bộ cánh mới" bằng cách sơn sửa, tân trang một chút. Cũng có thể tìm tới các cửa hàng đồ cũ để giảm thiểu chi phí sắm mới nội thất.
Sắp xếp công việc khoa học, giám sát tiến độ thi công
Gia chủ kết hợp ăn ý cùng với nhà thầu để sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học để tránh tình trạng chưa làm xong hạng mục này đã chuyển sang hạng mục khác, dễ gây chậm tiến độ thi công và phát sinh các khoản phí không đáng có.
Đồng thời, bạn cũng nên giám sát chặt chẽ tiến độ thi công từng hạng mục công trình để đảm bảo tiến độ không bị kéo dài - điều này sẽ tốn thêm tiền nhân công, thậm chí cả tiền thuê quản lý, giám sát dự án cải tạo nhà.
Quản lý chặt chẽ dòng tiền trong quá trình sửa nhà
Mặc dù đã có kế hoạch chi tiêu cụ thể từ trước nhưng bạn vẫn nên quản lý chặt dòng tiền ra vào trong quá trình thi công sửa chữa, cải tạo nhà bao gồm chi phí mua sắm vật liệu, vật tư hoàn thiện. Cần xác định rõ ràng và chính xác khoản nào nên chi, khoản nào nên tiết kiệm để tránh lãng phí tài chính.
Tự làm một số hạng mục
Nếu có thể tự làm một số hạng mục thì bạn nên làm để tiết kiệm chi phí cải tạo nhà. Tất nhiên, một số công việc cần bàn tay của chuyên gia, thợ lành nghề. Trang trí và bảo dưỡng sân vườn là một trong những việc mà bạn có thể tự làm khi sửa nhà. Bạn cũng có thể học các kỹ năng mới trong khi cải tạo nhà của chính mình.
Thậm chí, gia chủ còn có thể tự trát tường, sơn tường hoặc lát sàn, dán giấy dán tường. Đây là những việc khá dễ dàng trong dự án cải tạo nhà mà bạn có thể học cách thực hiện để tiết kiệm một khoản tiền đáng kể.
Chọn đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu uy tín
Trên thực tế, một số gia chủ không thuê đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công chuyên nghiệp nhằm mục đích cắt giảm tối đa ngân sách sửa nhà. Tuy nhiên, đây lại là sai lầm nghiêm trọng.
Bạn nên tìm đến một đơn vị tư vấn, thiết kế thi công sửa nhà, đặc biệt nếu ngôi nhà của bạn đã quá cũ nát, cần mở rộng không gian hoặc cơi nới thêm tầng... vì những việc này sẽ ảnh hưởng tới kết cấu an toàn, yêu cầu cao về mặt kỹ thuật.
|
Khi cải tạo nhà, khâu chọn đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công rất quan trọng, giúp bạn quản lý và tiết kiệm ngân sách sửa nhà một cách hiệu quả. Ảnh minh họa |
Một đơn vị tư vấn thiết kế, thi công uy tín, một nhà thầu có tâm sẽ giúp bạn lên kế hoạch tỉ mỉ, chọn vật liệu, vật tư vừa chất lượng, vừa có giá phải chăng. Bởi lẽ, những nhà thầu có nhiều năm kinh nghiệm sẽ có danh sách những nhà cung cấp nguyên vật liệu uy tín với giá thành thấp hơn nhiều so với gia chủ tự đi tìm mua.
Như vậy, chọn được nhà thầu, đơn vị thiết kế thi công chuyên nghiệp họ sẽ đảm nhận tất cả các khâu, từ lên kế hoạch thi công đến thiết kế kiến trúc, xây dựng hoàn thiện. Đồng thời, họ cũng sẽ đảm bảo được tiến độ thi công đúng với lịch trình đã đề ra từ đầu.
Mặt khác, họ còn có các chế độ bảo hiểm cho nhân công và bảo trì công trình khi đã hoàn thiện. Với tất cả những lợi ích đó, gia chủ chắc chắn sẽ tiết kiệm được chi phí sửa nhà.
Một số lưu ý khi chọn nhà thầu cải tạo nhà:
- Chọn đơn vị có năng lực tốt, đầy đủ đội ngũ kiến trúc sư, nhân công lành nghề. Chọn nhà thầu có nhiều kinh nghiệm trong việc khảo sát móng, cột, dầm, hiện trạng công trình để đưa ra phương án phù hợp, tránh ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực; kinh nghiệm xử lý những hiện tượng như nứt nghiêng tường, nứt cổ trần, võng sàn,...
- Bạn nên tìm hiểu, khảo sát các dự án mà họ đã thực hiện trước đó thông qua các kênh như Internet, mạng xã hội, bạn bè, người thân hoặc từ chính chủ nhà đã thuê đơn vị đó.
- Trao đổi trực tiếp và kỹ lưỡng về những chi phí phát sinh của dự án. Nên để họ xem bản kế hoạch cải tạo nhà và ngân sách dự kiến để xem liệu có bất kỳ chi phí nào bạn có thể bỏ qua không.
- Chọn nhà thầu hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của bạn và có ý tưởng rõ ràng để giúp bạn lên kế hoạch ưu tiên các hạng mục của dự án.
- Nhận báo giá thầu từ ít nhất 3 ba công ty tại địa phương để so sánh các chi phí. Không nên chọn nhà thầu đưa ra mức giá quá rẻ, hãy sử dụng giá thầu cạnh tranh để đàm phán với nhà thầu uy tín.
Tìm hiểu và sàng lọc một cách kỹ càng, bạn sẽ sớm tìm được cho mình một đơn vị thiết kế, thi công uy tín. Đây cũng chính là cách cắt giảm chi phí sửa nhà hiệu quả nhất.
Trên đây là các cách tiết kiệm chi phí cải tạo nhà hiệu quả được đúc rút từ những kinh nghiệm thực tế. Nếu muốn tìm hiểu thêm kiến thức về xây, sửa nhà, bạn đọc có thể tham khảo tại đây.
Lam Giang
>> 8 câu hỏi phỏng vấn giúp bạn chọn được nhà thầu tiềm năng
>> Nhất định phải biết những điều này trước khi thực hiện một dự án cải tạo nhà
>> Gia chủ mất tiền oan khi sửa nhà bởi 5 sai lầm này