Căn nhà nhìn từ bên ngoài trông như một khối thống nhất, nhưng bên trong là hai không gian sống độc lập dành cho hai gia đình, hai anh em.
Căn nhà nhìn từ bên ngoài trông như một khối thống nhất, nhưng bên trong là hai không gian sống độc lập dành cho hai gia đình, hai anh em.
Miếng đất hình thang có một cạnh mặt tiền bị vát xéo. Yêu cầu đặt ra là phải thiết kế hai ngôi nhà dành cho hai anh em trên thế đất đó. Đề bài đó đã được giải một cách thoả đáng, theo nhận xét của chủ nhà. Mặt tiền bị vát xéo nhưng khi đứng trước ngôi nhà, ít thấy cảm giác đó do việc dựng các khối tương đối khéo. Trên lầu một các góc xéo biến thành các sân nhỏ hình tam giác và từ đó trở lên các mặt khối đều vuông vức. Khi đứng trong nhà ta không nhận ra nhà bị xéo bởi các không gian đều được làm cho ngay ngắn bình thường.
Do gia đình có đặc điểm là cha mẹ sống cùng con cái, nên tuy hai nhà riêng biệt nhưng vẫn có các không gian chung ở những vùng trung gian như sân trước, sân sau, sân thượng và đặc biệt lầu một là phòng sinh hoạt chung có cửa thông qua lại. Từ lầu hai, không gian được cách biệt bởi vách tường và giếng trời ở giữa.
Các không gian cho phòng ngủ đều thiết kế vừa đủ và tiết kiệm diện tích. Do thế đất vát, một ngôi nhà sẽ bị ngắn hơn nên kiến trúc sư căn cứ theo từng diện tích để bố trí không gian sinh hoạt. Nhiều diện tích được dành cho các không gian sinh hoạt chung như sân sau được có khoảng rộng rãi lát gỗ dành cho các bữa ăn của cả gia đình lớn. Sân thượng dùng chung cho các sinh hoạt thể thao và hóng mát. Phòng sinh hoạt chung làm ở một bên nhà người anh, nhưng các khoảng thông, tường lửng và song gỗ tạo cảm giác rộng mở.
Cách thiết kế hợp khối này cho cảm giác thống nhất và bề thế của căn nhà. Nó thể hiện thói quen sống quây quần và tình cảm của gia đình Việt Nam. Khi các thành viên trong gia đình trưởng thành, có gia đình riêng thì họ vẫn có sự độc lập nhất định mà vẫn cùng nhau phụng dưỡng cha mẹ trong một không gian chung.
Mặt bằng các tầng:
(Theo SGTT)