Mỗi thời mỗi kiểu, phòng tắm cũng theo cái sự đi lên của kinh tế gia đình mà được bồi đắp, trang hoàng cho thêm phần tiện ích, tăng độ sang trọng.
Mỗi thời mỗi kiểu, phòng tắm cũng theo cái sự đi lên của kinh tế gia đình mà được bồi đắp, trang hoàng cho thêm phần tiện ích, tăng độ sang trọng.
Ngày theo chồng về vùng gió cát miền Trung làm dâu, điều mà tôi ngại nhất đó là cái nhà tắm. Gọi là nhà tắm cho oai chứ thực ra nó chỉ là một cái lều được dựng lên từ bốn tấm phên liếp mỏng và một mảnh áo mưa làm nóc. Mùa hè còn đỡ, mùa đông, chồng tôi bưng cả thau nước nóng nghi ngút cho vợ tắm mà tôi vẫn không thể không run bần bật trước những cơn gió mùa đông bắc vi vút luồn qua kẽ, phên và làm cho mảnh áo mưa ở nóc bay lên phần phật.
Đã thế, cái nhà tắm ấy lại được dựng ở rất xa nhà, cách cả một khoảng sân rộng và vườn rau xanh um. Mỗi lần đi tắm, tôi lại thấy tiếc mấy cái váy ngủ khêu ngợi, bởi chả bao giờ tôi có thể diện chúng để làm cho chồng kinh ngạc như mấy đứa bạn xui trước khi tôi bước chân theo chồng.
Rồi vợ chồng tôi chuyển ra thành phố. Căn nhà đầu tiên mà chúng tôi có được chỉ vừa đủ chỗ cho hai gường ngủ và một góc bếp xinh xắn. Còn phòng tắm được chồng tôi tận dụng từ khoảng trống dưới gầm cầu thang. Cũng đầy đủ vòi hoa sen, bình nóng lạnh và cả một ô cửa nho nhỏ để đón ánh sáng trời. Có điều đã vào đây thì không thể dịch thêm bước chân nào nữa bởi cả phòng tắm chỉ có một chỗ đứng duy nhất để đầu không chạm nóc. Ấy vậy nhưng cái chốn luôn cần nới rộng này lại là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thuở cơ bản của vợ chồng tôi nhất.
Tôi nhớ như in vẻ mặt đầy phấn khích của chồng khi thuyết minh chiếc cửa trượt đã cho thêm... mấy chục phân nhàn rỗi như thế nào so với kiểu cửa đóng mở trước đó. Còn tôi thì không bao giờ quên cảm giác sướng tê người khi chồng phóng đại: "trông rộng mà lại sang như khách sạn ấy nhỉ" trước mẹo thay giá gỗ bằng giá kính mà tôi học lỏm từ một tài liệu dạy cách làm rộng không gian.
Nhìn các con vui vẻ ngắm nghía cái phòng tắm của mình, tôi chợt nghĩ, đôi khi, cái chốn để người ta chỉ ghé vào đó vài phút chốc trong ngày lại là chốn cần được trau chuốt nhất.
Không hiểu có phải vì thấm khổ sau hơn chục năm trời lui cui với mấy m2 phòng tắm hay bởi những gắn bó mà vô tình chốn phụ ấy mang lại mà khi xây ngôi nhà lớn, nơi được chúng tôi bàn đến nhiều nhất chính là phòng tắm. Đương nhiên trong điều kiện của một căn nhà rộng đến 200m2, phòng tắm mà chúng tôi hướng đến không đơn giản chỉ là nơi để giải quyết nhu cầu vệ sinh mà còn phải là chốn mang lại những phút giây thanh bình, thư giản và trút bỏ mọi ưu tư phiền muộn.
Vì thế ngoài những vật dụng cơ bản như gương soi, mắc quần áo, kệ đựng đồ, cái phòng tắm rộng hơn chục m2 của chúng tôi còn dành nhiều diện tích cho các vật trang trí như cây xanh, giỏ hoa hay mảng tường gốm. Ở đó có đủ cả vòi tắm đứng lẫn bồn tắm nằm. Và vì là kiểu phòng tắm mở với một mặt hướng thẳng ra khu vườn hoa của thành phố nên mặt liền kề với phòng ngủ được chồng tôi quyết định chọn giải pháp làm thoáng bằng một tấm kính trong suốt để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Thú thực khi mới sử dụng kiểu nhà tắm này tôi cũng thấy đôi chút bất tiện, bởi khó quen với kiểu tắm "lộ thiên". Nhưng không thể phủ nhận được rằng chính nó đã mang lại cho vợ chồng tôi những phút giây lãng mạn thực sự, điều mà bấy lâu nay, vì mải cơm áo gạo tiền, chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến.
Bọn trẻ cũng có phòng tắm riêng, liền kề phòng ngủ, và chúng rất phấn khích với điều này. Cậu anh thích thú với ý tưởng phòng tắm của biển, nhất nhất phải có màu trắng và xanh. Còn cô em không thể không đòi ba mẹ cho ốp tường nào gấu Teddy, nào búp bê Barbie khắp phòng tắm. Nhìn các con vui vẻ ngắm nghía cái phòng tắm của mình, tôi chợt nghĩ, đôi khi, cái chốn để người ta chỉ ghé vào đó phút chốc trong ngày lại là chốn cần được trau chuốt nhất.
(Theo GĐ Trẻ)