Thị trường vật liệu xây dựng đã chuyển động sau thời gian “nghỉ Tết” khá dài. Tuy nhiên, trước sự đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng, giá cả…, việc chọn loại vật liệu nào cho công trình nhà mình là cả một “bài toán khó” với đa số người tiêu dùng.
Mỗi nơi một giá
Do đã bước vào mùa xây dựng, nên sức tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM tăng cao, kéo theo giá các mặt hàng này cũng biến động theo. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, sự biến động về giá các loại vật liệu xây dựng mỗi nơi một khác, khiến người tiêu dùng gần như mất phương hướng.
Là người đang có nhu cầu mua vật liệu xây dựng để làm nhà, mấy ngày nay, anh Hoàng (ngụ tại quận Thủ Đức, TP.HCM) dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu và khảo giá các loại vật liệu xây dựng trên thị trường, nhưng mãi vẫn chưa chọn được nhà cung cấp nào ưng ý.
Anh Hoàng tâm sự, chẳng phải gia đình khó tính hay kén chọn gì, nhưng qua mấy ngày tham khảo thị trường, thấy mình thực sự như lạc vào “mê hồn trận”. “Đúng là không đi xem thì không biết, khi đã tìm hiểu rồi thì lại chẳng biết chọn cái nào”, anh Hoàng khắc khoải.
Thị trường vật liệu xây dựng hiện có rất nhiều chủng loại, mẫu mã và giá cả
khác nhau khiến người tiêu dùng khó lựa chọn. Ảnh: Việt Dũng
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, mỗi cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng có rất nhiều mẫu mã, chủng loại và giá cả vô cùng phong phú. Có khi cùng một loại vật liệu, mẫu mã nhìn bên ngoài giống hệt nhau, nhưng mỗi nơi chào bán một giá.
Đơn cử như giá cát trên địa bàn Quận 12 dao động từ khoảng 140.000 - 250.000 đồng/m3, trong khi tại Quận 3 là 160.000 - 270.000 đồng/m3. Cụ thể, tại Cửa hàng vật liệu xây dựng Sỹ Mạnh, Quận 12, cát san lấp có giá 140.000 đồng/m3, cát xây tô khoảng 150.00 đồng/m3, cao nhất là cát hạt vàng, được bán với giá 260.000 đồng/m3. Còn tại một số cửa hàng trên Quận 3, giá cát san lấp được bán với giá 160.000 đồng/m3, cát xây tô là 170.000 đồng/m3, cát hạt vàng lên tới 270.000 đồng/m3.
Tương tự, các thiết bị vệ sinh cũng có sự biến động về giá, điều này phụ thuộc vào từng thương hiệu, kích cỡ sản phẩm…. Một vài chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tiết lộ, thực ra, mỗi dòng sản phẩm đều đó 5 - 7 loại, có loại nhập khẩu từ châu Âu, loại sản xuất trong nước, loại nhập từ Trung Quốc… Chưa kể, ngay cả sản phẩm sản xuất tại cùng 1 công ty, nhưng cũng có loại chất lượng tốt, loại chất lượng kém. Do vậy, nhìn giống nhau về mẫu mã, kích thước, nhưng có giá bán khác nhau là chuyện không có gì khó hiểu.
Khó phân biệt thật - giả
Từ việc thị hiếu của khách hàng ngày càng tăng cao, nhu cầu sử dụng lớn, các doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh nhau bằng cách không ngừng đưa ra thị trường những sản phẩm mới với những mẫu mã, cũng như giá cả rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các sản phẩm hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đơn cử như gạch ốp lát, trên thị trường hiện nay có khoảng 2 - 3 loại, loại trung bình có giá từ 70.000 - 450.000 đồng/m2, loại cao cấp từ 1,2 triệu đến hơn 4 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, việc phân biệt giữa sản phẩm chất lượng và kém chất lượng với người tiêu dùng bình thường là rất khó, chỉ có những người trong nghề hoặc am hiểm về vật liệu với nhận biết được.
Hiện nay, thị trường sơn cũng là một trong những mặt hàng vô cùng đa dạng và phong phú, từ các loại sơn ngoại đến sơn nội, khiến người tiêu dùng rất khó chọn lựa. Theo quảng cáo thì loại nào cũng chống thấm, cách nhiệt, chống cháy…, nhưng người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng kém chất lượng, bởi mặt hàng này được làm nhái rất tinh vi và thường phải qua một thời gian sử dụng mới có thể phát hiện ra.
Tương tự, các vật liệu thiết yếu trong xây dựng như như tôn, sắt, thép, gạch…, cũng lẫn hàng kém chất lượng. Không chỉ người tiêu dùng, mà ngay đến cả cơ quan trức năng nhiều khi cũng “bó tay” về việc phân biệt thật giả, bởi khó nhìn nhận được bằng mắt thường.
Trước “ma trận” giá cũng như chất lượng của các mặt hàng vật liệu xây dựng như hiện nay, tâm lý chung của đa số người tiêu dùng là “tiền nào của nấy”. Do vậy, người tiêu dùng tùy vào túi tiền của mình để lựa chọn sản phẩm sao cho phù hợp. Cái đáng ngại nhất là mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng không chỉ bị “móc túi”, mà còn ảnh hưởng tới độ bền, cũng như chất lượng của công trình.
Do đó, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu về giá cả, chất lượng, cũng như thương hiệu của nhà sản xuất thật kỹ trước khi lựa chọn sản phẩm. Đồng thời, các cơ quan trức năng cần thắt chặt hơn nữa việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh những loại vật liệu trên thị trường, góp phần ngăn chặn tình trạng “thách giá” cũng như bán hàng giả, hàng lậu, bảo vệ người tiêu dùng.