Chủ đầu tư chây ì phí bảo trì là câu chuyện không mới, tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp phí bảo trì giữa chủ đầu tư và cư dân ngày càng phổ biến, phức tạp. Nhiều nơi cư dân căng băng rôn phản đối, đâm đơn kiện ra tòa, nhưng chủ đầu tư vẫn bặt vô âm tín.
Hàng loạt tranh chấp nổ ra
Tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại chung cư Hồ Gươm Plaza (phường Mộ Lao, Hà Đông) đã kéo dài vài năm nay, thậm chí chính quyền quận Hà Đông đã có nhiều động thái để giải quyết nhưng tranh chấp vẫn kéo dài.
Gần 2 tháng qua, cư dân liên tục căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư, thậm chí làm đơn kêu cứu gửi đi rất nhiều nơi. Trong số hàng loạt bức xúc của cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza có việc chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Hồ Gươm không chịu bàn giao gần 20 tỷ đồng tiền phí bảo trì của tòa nhà.
Công ty Cổ phần May Hồ Gươm không chịu bàn giao gần 20 tỷ đồng tiền
phí bảo trì của tòa nhà. Ảnh: CTV.
Theo đại diện Ban Quản trị (BQT) chung cư Hồ Gươm Plaza, mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, liên tục yêu cầu Công ty Hồ Gươm phải trả lại phí bảo trì và công ty này cũng đã cam kết trả vào tháng 8-2016, nhưng cho đến giờ vẫn chưa trả hết.
Theo thông tin từ BQT khu nhà, trong số 20 tỷ đồng phí bảo trì, chủ đầu tư mới chuyển trả 2 tỷ đồng vào tài khoản của cư dân. Và đến nay, cư dân vẫn tiếp tục đấu tranh, gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng để đòi khoản phí bảo trì tiền tỷ này và đề nghị giải quyết nhiều sai phạm khác của chủ đầu tư dự án.
Chủ đầu tư chây ì việc trả phí bảo trì cho cư dân đang diễn ra ở hàng loạt dự án khác. Theo đại diện BQT chung cư Hancorp Plaza trên đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), BQT tòa nhà đã thành lập gần 2 năm nhưng đến nay chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội mới chỉ bàn giao 5 tỉ đồng trong khoảng 21 tỉ đồng tiền phí bảo trì toàn bộ tòa nhà. Cư dân nhiều lần lên tiếng nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì không trả. Tại dự án chung cư Thăng Long Garden 250 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Theo ông Mai Anh Phong, Phó BQT thì chủ đầu tư dự án này là Công ty CP May Thăng Long không chuyển trả cho cư dân gần 20 tỷ đồng phí bảo trì.
“BQT được thành lập từ tháng 8-2016. Sau nhiều cuộc họp giữa BQT tòa nhà và chủ đầu tư, có sự tham gia của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng, các bên thống nhất được thời điểm bàn giao phí bảo trì là ngày 15-2 vừa rồi. Đến hẹn, chủ đầu tư lại xin lùi thời hạn đến cuối tháng 2. Quá hẹn rồi nhưng mọi việc vẫn không có gì thay đổi. Cư dân chúng tôi lại tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng”, ông Phong cho biết.
Tranh chấp bảo trì chung cư ngày càng nóng, gây bức xúc dư luận.
Các cơ quan chức năng cần can thiệp mạnh để bảo vệ người mua nhà
Theo luật sư Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Phú, với các trường hợp chủ đầu tư chây ì phí bảo trì của cư dân là cố tình vi phạm pháp luật.
“Điều 109 Luật Nhà ở đã quy định rõ, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày BQT nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho BQT để thực hiện quản lý, sử dụng và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì BQT nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh, nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định. Luật đã quy định mà các chủ đầu tư cố tình không thực hiện có nghĩa là đang vi phạm pháp luật”, luật sư Trần Quang Khải nói.
Theo phân tích của luật sư Trần Quang Khải, chủ đầu tư vẫn không bàn giao phí bảo trì cho BQT chung cư có dấu hiệu của việc chiếm dụng vốn từ phía các chủ đầu tư, và việc này cần phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
“Đối với khoản phí bảo trì các chủ đầu tư cố tình chậm trả này, cư dân sẽ gặp nhiều rủi ro. Nếu chủ đầu tư phá sản hoặc bỏ trốn thì cư dân có nguy cơ mất trắng tiền bảo trì. Trong khi số tiền 2% này là quyền lợi chính đáng và cư dân phải nộp ngay từ khi mua nhà. Tôi cho rằng, phải có chế tài xử lý thật nặng, có thể xử lý hình sự. Cơ quan chức năng cần can thiệp mạnh để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, bảo vệ niềm tin cho người dân mua nhà chung cư”, luật sư Trần Quang Khải phân tích.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà Việt Nam cho biết, hiện nay, người mua nhà đang rơi vào thế đi “đuổi đuôi” chủ đầu tư.
“Cư dân phải đóng ngay 2% phí bảo trì mới được nhận nhà ở, nhưng sau đó lại phải khổ sở để đi đòi lại khoản tiền của chính mình đã bỏ ra. Vai trò của cơ quan chức năng can thiệp vào vẫn quá mờ nhạt để tình trạng các chủ đầu tư một mình một sân, vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Hiệp nói.