Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận trở thành chủ đầu tư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trở thành chủ đầu tư của
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), trong đó, số vốn dành để thực hiện thi công giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
ACV cũng được Thủ tướng giao trách nhiệm sử dụng kinh phí từ nguồn vốn của doanh nghiệp để lập bản nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án và trình Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo lên hội đồng thẩm định nhà nước theo như quy định.
So với đề án cho phép ACV làm chủ đầu tư của giai đoạn khởi động dự án sân bay Long Thành mà Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ mới đây thì với quyết định trên, ACV đã trở thành đơn vị chủ đầu tư cho toàn bộ dự án sân bay Long Thành.
Quốc hội đã chính thức thông qua dự án sân bay quốc tế Long Thành vào sáng 25/6/2015.
Được triển khai xây dựng ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, mục tiêu của dự án sân bay Long Thành là trở thành sân bay đạt cấp 4F theo sự phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và là sân bay quốc tế quan trọng của Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực trong tương lai.
Dự kiến, công suất của sân bay là 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm và được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, sẽ phải hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất là năm 2025 với 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, đạt công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tiếp tục thực hiện xây dựng thêm các đường cất hạ cánh và nhà ga ở giai đoạn 2, 3 và đạt được công suất 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nguồn vốn thực hiện dự án được huy động từ một phần của ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn từ doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Quy mô diện tích đất của dự án là 5.000 ha, trong đó, có 2.750 ha là diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay; 1.050 ha diện tích đất dành cho quốc phòng và 1.200 ha diện tích đất dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác.
Dự án được thực hiện với công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như những cảng hàng không quốc tế tiên tiến đã được thực hiện trên thế giới, đồng thời, cũng bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo đúng với các tiêu chí về an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.