Dự án Tháp dầu khí từng gây xôn xao dư luận một thời, sau khi chuyển giao cho chủ đầu tư mới, tòa nhà cao nhất của dự án chỉ còn 44 tầng thay vì 102 tầng như kế hoạch ban đầu.
Dự án tháp Dầu khí sẽ còn 44 tầng (Ảnh minh họa)
Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty cổ phẩn Đầu tư Mai Linh làm nhà đầu tư dự án Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Golden Palace A rộng hơn 20ha địa chỉ tại phường Mễ Trì và Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.
Đây là khu đất từng được phê duyệt để xây dựng tòa tháp 102 tầng do Tập đoàn Dầu khí là chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, theo phê duyệt của cơ quan quản lý, công trình cao nhất tại dự án là khối chung cư cao 44 tầng với 762 căn hộ.
Dự án theo đó sẽ có 3 khu chính gồm công viên giải trí; khu công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, nhà ở và khu trường học liên cấp. Khu công viên giải trí có diện tích 14,4ha, chiếm 3/4 diện tích. Khu này có mật độ xây dựng 5%, chiều cao một tầng, phần diện tích hồ nước là khoảng 2,5ha.
Khu trường học sẽ có diện tích khoảng 1,6ha. Khu này gồm trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, mầm non. Phần công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, nhà ở có diện tích đất 1,5ha. Ngoài khối chung cư cao 44 tầng, khu này còn có khu nhà ở thấp tầng có cửa hàng (shophouse) với 22 căn.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 4.460 tỷ đồng. Trong số đó, vốn tự có của chủ đầu tư là 669 tỷ đồng. Con số này chiếm 15% tổng mức đầu tư; vốn vay - vốn huy động là 3.791 tỷ đồng, chiếm 85% tổng mức đầu tư.
Quý I/2019 sẽ là giai đoạn kết thúc, đưa vào khai thác sử dụng đối với khu công viên giải trí. Khu hỗn hợp nhà ở, trường học, thương mại được đưa vào khai thác sử dụng vào quý I/2022.
Trước đây, Tổ hợp Tháp Dầu khí tại Mễ Trì, Từ Liêm là một dự án đình đám một thời với thiết kế 102 tầng gồm khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, công viên giải trí... Dự án ban đầu dự kiến có tổng vốn khoảng 1 tỷ USD. Chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) sau đó đã điều chỉnh độ cao xuống còn 79 tầng, vẫn là tòa tháp cao nhất Việt Nam.
Đầu năm 2012, sau gần 2 năm nhận dự án, PetroVietnam phải chuyển giao lại cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) để giảm đầu tư ngoài ngành. Tuy vậy, sau nhiều năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang nên giữa năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã chỉ định Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư mới của dự án. Chủ đầu tư này đã đổi tên và xin thay đổi quy hoạch trong dự án.