UBND tỉnh Đồng Nai và BQL Dự án 1 (PMU1- Bộ GTVT) đang phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận họp bàn phương án giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết đang trình Bộ GTVT phê duyệt thời gian thực hiện.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết được nghiên cứu từ năm 2007 và được Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý và thực hiện từ cuối năm 2012.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 101 km, đi qua 4 huyện, thị của tỉnh Đồng Nai gồm: huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và TX Long Khánh và qua hai huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam kết thúc điểm cuối tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tổng mức đầu tư dự án ước toán khoảng 17.700 tỷ đồng.
Cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết dự kiến khởi công vào năm 2017
Trong đó, hợp phần 1 tuyến cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết từ ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đến huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) có chiều dài 36 km, dự kiến khởi công vào đầu năm 2017. Kinh phí xây dựng từ ngân sách Nhà nước đầu tư bằng vốn vay Hiệp hội phát triển quốc tế của Ngân hàng thế giới.
Hợp phần 2 từ huyện Xuân Lộc đến TP. Phan Thiết có chiều dài 62km, dự kiến khởi công vào năm 2018 kinh phí do Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự kiến năm 2021 sẽ đưa vào khai thác tuyến cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết. Sau khi hoạt động, lộ trình từ Tp.HCM đi TP. Phan Thiết gần 200 km bằng cao tốc sẽ rút ngắn thời gian còn trên 2h đồng hồ đồng thời kết nối với cao tốc Tp. HCM- Long Thành- Dầu Giây, Dầu Giây- Đà Lạt (Lâm Đồng), Long Thành- Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành…
Theo Công an nhân dân Online