Đã được đổi chủ nhưng số phận của tổ hợp dự án 60 triệu USD vẫn chưa rò ràng, liệu rằng Thuận Kiều Plaza sẽ cải tạo hay bị đập bỏ?
Thuận Kiều Plaza từng được đánh giá là một trong những cao ốc có vị trí vàng tại Tp.HCM, tọa lạc tại số 190 mặt đường Hồng Bàng (quận 5).
Được khởi công từ năm 1994, đến năm 1998, cao ốc được đưa vào sử dụng, gồm 33 tầng, diện tích sàn xây dựng là 100.000m2.
Chủ đầu tư là Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (nay giao lại cho Tổng công ty địa ốc Sài Gòn)hợp tác cùng Công ty Kings Harmony Intl Ltd (Hong Kong) xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 60 triệu USD. Công trình là tổ hợp gồm 3 tòa tháp có chức năng căn hộ (khoảng 650 căn), văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại - giải trí, nhà xe và các tiện ích khác.
Khi đưa vào sử dụng Thuận Kiều Plaza được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt quận 5 và trở thành trung tâm mua sắm sầm uất, thế nhưng đã hai thập niên qua, nơi đây khá hoang vắng, không mấy thành công.
Trên trang web của Vạn Thịnh, Trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza
được giới thiệu là một trong 7 cơ sở kinh doanh của tập đoàn (ảnh chụp màn hình ngày 29/10).
Cao ốc này trở thành tâm điểm của dư luận khi thông tin một nữ đại gia bất động sản, người đứng đầu Công ty Vạn Thịnh Phát đã thâu tóm cả dự án vào trung tuần tháng 10/2015.
Trên trang web của Vạn Thịnh Phát còn lưu lại thông tin 7 cơ sở kinh doanh, một trong số đó là Thuận Kiều Plaza. Chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần An Đông (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đang tiến hành thu hồi mặt bằng và chuẩn bị đập bỏ tòa nhà.
Một chuyên gia cấp cao của ngành xây dựng thậm chí còn nhắc đến khả năng tháo dỡ cao ốc này chỉ là chuyện sớm muộn vì dù cải tạo hay tháo dỡ, kinh phí đều khá lớn.
Ngày 29/10, đại diện chủ đầu tư mới của Thuận Kiều Plaza (quận 5, Tp.HCM), Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư An Đông, Hồ Xuân Dũng đã khẳng định: “Doanh nghiệp sẽ không đập bỏ trung tâm thương mại này mà sẽ lên phương án cải tạo”
Ông Dũng cũng cho biết thêm, doanh nghiệp sẽ cải tạo lại dự án theo đúng công năng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu hiện nay.
Cụ thể,sẽ sửa lại kết cấu trần trung tâm thương mại do đã lỗi thời, hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng cần được điều chỉnh. Kế đến, doanh nghiệp sẽ tiến hành xác định nhu cầu thực tế của cư dân để cải tạo cho phù hợp.
Trước câu hỏi về chức năng khác của cao ốc này là căn hộ, văn phòng cho thuê vị này cho hay: "Các phương án vẫn đang được xem xét, chưa có gì chắc chắn. Bài toán không dễ, nếu dễ thì đã làm cách đây 20 năm rồi".
Cao ốc phức hợp Thuận Kiều Plaza
Theo tìm hiểu của phóng viên có nhiều yếu tố dẫn đến sự không thành công của Thuận Kiều Plaza trong 20 năm tồn tại như thiết kế, kiến trúc, phong thủy... nhưng đáng nói chính là dự án được xây dựng trên khu đất thuê có thời hạn quá ngắn.
Năm 2014, trong một tờ trình của Sở Tài chính Tp. HCM đề xuất UBND thành phố xác định nghĩa vụ tài chính của dự án Thuận Kiều Plaza, cơ quan này khẳng định tiền sử dụng đất của cao ốc phức hợp này phải được tính lại theo quy định hiện hành. Lý do là đã hết thời hạn thuê.
Cụ thể, dự án được Thủ tướng ký quyết định cho thuê đất vào năm 1996, trong đó xác định rõ thời hạn thuê đất là 20 năm kể từ ngày cấp giấy phép kinh doanh là ngày 31/1/1994.
Trong suốt thời gian đó, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV và Kings Harmony Int’l MTV chịu trách nhiệm trả tiền thuê đất. Điều này có nghĩa là tính đến tháng 2/2014, khu đất mà cao ốc Thuận Kiều Plaza tọa lạc đã hết thời hạn thuê và chủ đầu tư nếu tiếp tục khai thác tòa nhà sẽ bị tính lại tiền thuê đất.
Trong 20 năm tồn tại, Thuận Kiều Plaza được thành phố tính tiền thuê đất theo nhiều khung giá khác nhau. Trong 4 năm đầu (1995-1999), tiền thuê là 13,6 USD/m2/năm. Từ năm 1999, tiền thuê đất giảm xuống còn 7,8 USD. Với thực trạng bảng giá đất của Tp.HCM năm 2015 đã điều chỉnh tăng mạnh, chắc chắn tiền thuê đất của dự án này cũng bị đội lên đáng kể.
Ngày 29/10/2015, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM xác nhận: “Thành phố tiếp tục cho Thuận Kiều Plaza thuê lại khu đất với thời hạn 50 năm và đang trong quá trình thẩm định giá”.
Theo một chuyên gia bất động sản có kinh nghiệm của thị trường Tp.HCM, Công ty An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là chủ nối tiếp của Thuận Kiều Plaza sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của dự án này.
“Vấn đề bây giờ không phải là tháo dỡ, cải tạo hay đánh thức tiềm năng của cao ốc mà chính là chủ mới sẽ phải chi thêm số tiền khủng để thuê khu đất này với giá hiện hành", ông đánh giá