Việc thi công cống hóa mương T6A Nguyên Hồng ì ạch, kéo dài gây ô nhiễm môi trường, sụt lún nghiêm trọng, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Điều đáng buồn ở đây là tình trạng này đã xảy ra trong một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp ban ngành có liên quan xem xét, giải quyết.
Công trình "nằm bất động"
Nằm trong Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn II do Ban quản lý dự án thoát nước (Sở Xây dựng) là đại diện chủ đầu tư, đường Nguyên Hồng đoạn từ đê La Thành đến phố Huỳnh Thúc Kháng, chạy qua địa phận các phường: Thành Công (Ba Đình), Giảng Võ, Láng Hạ (Đống Đa). Việc thi công cống hóa mương T6A Nguyên Hồng thuộc gói thầu số 3 cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, sông Lừ, sông Sét.
|
Phố Nguyên Hồng luôn ngập ngụa bùn đất. |
Dự án cầu cống này được khởi công từ đầu năm 2011, thế nhưng việc thi công vô cùng ì ạch, đơn vị thi công "vừa làm vừa chơi" khiến cho tiến độ bị kéo dài. Thực tế này đã gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân khu vực. Dân cư phải sống trong tình trạng ngập lụt, bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, giao thông ách tắc ...
Chị Nguyễn Ngọc Trang (G1 - KTT Thành Công) vô cùng bức xúc kể: "Đầu năm 2014, việc thi công cống hóa đã xong đến 80 - 90%. Tưởng rằng đơn vị thi công sẽ nhanh chóng hoàn trả mặt đường, lát vỉa hè và trồng cây xanh, vườn hoa để bảo đảm sinh hoạt bình thường cho nhân dân. Thế nhưng càng chờ đợi lại càng thất vọng. Mãi đến gần đây, các đơn vị thi công mới thảm một đoạn ngắn đường Nguyên Hồng (đoạn sát Công viên Thành Công), còn lại đến 4/5 chiều dài đoạn đường vẫn để đấy. Đường xấu, nhiều "ổ trâu, ổ gà" đọng nước nên thường xuyên xảy ra va quệt hoặc tai nạn giao thông.
Còn đường Nguyên Hồng, đoạn từ đê La Thành đến giao cắt phố Thành Công đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Mặt đường lồi lõm, trồi sụt với nhiều vũng nước lớn, đặc biệt là tại đoạn phố trước các dãy nhà tập thể: D8, E4, E5, A1, A2. Trước khu vực có các cửa hàng sửa chữa, rửa xe máy, tình trạng đường xuống cấp càng nghiêm trọng; nhiều vũng nước lớn nhỏ chiếm đến 1/2 lòng đường khiến các phương tiện giao thông đi ngược chiều phải dừng lại để tránh nhau. Đặc biệt, tại ngã tư cắt phố Thành Công và lối vào khu G1, G2 có một nắp hố ga bị trơ lõi sắt, rất nguy hiểm cho người đi đường.
GPMB chậm làm giảm tiến độ thi công
Khi được hỏi về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước cho biết, theo phương án kỹ thuật được phê duyệt, tuyến cống T6A Nguyên Hồng có tổng chiều dài 708m, điểm đầu đấu nối với cống hộp hiện trạng trước khu vực sân khấu ngoài trời Đài Truyền hình Việt Nam và điểm cuối đấu nối với cống hộp hiện trạng trước Phòng thu thuế TP.Hà Nội. Dự án gồm các hạng mục: Cải tạo, cống hóa hộp đôi mương Nguyên Hồng, lát gạch block trên cống hộp, cải tạo mặt đường Nguyên Hồng bằng atphan rộng 7,5m, hào kỹ thuật chạy ngầm dưới đường và vỉa hè bên trái tuyến; đường gom dân sinh bên phải tuyến atphan rộng 1,2 - 7,5m.
Ngay sau khi khởi công, nhà thầu thi công là Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng đã tiến hành thi công cống hộp trên phần mặt bằng đất công do phường Thành Công và phường Láng Hạ quản lý với chiều dài 627m. Đến nay, nhà thầu thi công đã hoàn thành 627m cống hộp trên 708m toàn tuyến; lát gạch block 560m/627m cống đã thi công. Tuy nhiên, phần mặt bằng bàn giao này chỉ đủ điều kiện thi công cống hộp, không đủ điều kiện thi công rãnh, hè, hào kỹ thuật để hạ ngầm dây điện, cáp đi nổi trên toàn tuyến. Vì vậy, việc thi công đã và đang gặp nhiều khó khăn do không đủ mặt bằng sạch, ông Tuấn cho biết thêm.
Cụ thể, theo quy hoạch được phê duyệt, đường Nguyên Hồng có chiều rộng toàn tuyến là 7,5m. Tuy nhiên, hiện trạng đường hiện nay không đáp ứng đủ thông số trên, cần giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 1.000m2 đất với 73 phương án thu hồi (trong đó có 5 tổ chức và 67 hộ dân nằm trong diện bị cắt xén đất). Trách nhiệm trong công tác GPMB thuộc về UBND quận Ba Đình, UBND phường Thành Công, kết hợp với Ban quản lý dự án thoát nước.
Song thời gian qua, công tác GPMB vẫn chưa thể thực hiện được do 53/73 trường hợp không đồng thuận với giá đền bù, có đơn kiến nghị… Trước những vướng mắc trên, ông Tuấn cho biết thêm: Hiện UBND quận Ba Đình đang xin phép UBND thành phố cơ chế đặc thù hỗ trợ bồi thường giá đất cho người dân; bên cạnh đó bảo đảm tiến độ dự án, Ban quản lý dự án thoát nước đã lên phương án 2, đề xuất bố trí mương hào kỹ thuật vào lòng đường. Khi đã đủ mặt bằng sạch, sẽ tiến hành thảm lại mặt đường, bảo đảm chất lượng và không để phát sinh kinh phí. Riêng phần cống hộp, hè trên cống đoạn còn lại (từ đê La Thành đến Đài Truyền hình Việt Nam), Ban quản lý dự án cho biết: Sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2015; tiến độ hoàn thành thi công phần rãnh, hè, đường, chiếu sáng, cây xanh, điện chiếu sáng (đoạn từ đê La Thành đến hết tuyến dài 627m) sẽ phấn đấu hoàn thành vào ngày 30/12/2015.
Tuy khởi công đến nay đã 4 năm nhưng công trình vẫn mãi ì ạch vì chưa giải quyết ổn thỏa những kiến nghị bồi thường, hỗ trợ ... Hy vọng UBND quận Ba Đình sớm giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng nêu trên để đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành dự án, trả lại môi trường xanh - sạch - đẹp và con đường bằng phẳng, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.