Nếu đến đầm Bạch Thủy vào thời điểm này, có thể thấy, đây vẫn là đồng ruộng hoang hóa, cây cối rậm rạp, không hề có bất kỳ biệt thự nhà vườn sinh thái nghỉ dưỡng
Nếu đến đầm Bạch Thủy vào thời điểm này, có thể thấy, đây vẫn là đồng ruộng hoang hóa, cây cối rậm rạp, không hề có bất kỳ biệt thự nhà vườn sinh thái nghỉ dưỡng
Hơn 19 tháng sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng, Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Đầu tư Thăng Long vẫn chưa được giao hơn 88 ha đất của dự án du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng tại khu đầm Bạch Thủy (Phú Thọ) như đã quảng cáo với nhà đầu tư.
Nhiều dấu hiệu mập mờ
Việc chuyển nhượng hơn 88 ha đất dự án dịch vụ du lịch sinh thái của Công ty cổ phần Hòa Thanh (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) tại khu vực đầm Bạch Thủy, huyện Thanh Thủy cho CTCP đầu tư Thăng Long Phú Thọ (công ty con của CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, trụ sở tại 117 - Trần Duy Hưng, Hà Nội) có nhiều dấu hiệu mập mờ và vẫn trong quá trình tranh chấp. Tuy nhiên, ngày 8/10/2010, CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long đã phát hành cổ phiếu ra công chúng với mã chứng khoán TIG dựa trên dự án này.
Trước sự việc trên, tháng 4/2012, bà Đào Thị Phương, thành viên HĐQT CTCP Hòa Thanh đã có đơn tố cáo CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long. Theo phản ánh của bà Phương, gần 10 năm trước, năm 2003, UBND tỉnh Phú Thọ đã có hợp đồng cho CTCP Hòa Thanh thuê hơn 88 ha đất tại đầm Bạch Thủy để xây dựng khu du lịch sinh thái. CTCP Hòa Thanh cũng đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 3881/QĐ-UB ngày 14/11/2003, thời hạn thuê từ 1/1/2003 đến 1/1/2012.
Trong thời gian thực hiện hợp đồng thuê đất, nội bộ CTCP Hòa Thanh đã xảy ra nhiều bất đồng do tranh chấp trong việc xác định tỷ lệ vốn điều lệ, phải nhờ đến các cơ quan pháp luật giải quyết. Cụ thể, với vai trò là Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Công ty, ông Hồ Văn Sơn đã bán cổ phần của CTCP Hòa Thanh cho con rể là ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long trái pháp luật. Việc làm này đã bị các cổ đông của CTCP Hoà Thanh khởi kiện, nên ông Long đã có đơn xin rút, không trở thành cổ đông của CTCP Hòa Thanh.
Thế nhưng, khi vụ việc đang được tòa án và các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ xem xét giải quyết, tức là việc tranh chấp cổ phần góp vốn và phân chia lợi nhuận của CTCP Hòa Thanh còn chưa ngã ngũ, tháng 7/2008, ông Hồ Văn Sơn đã nộp đơn xin thay đổi đăng ký kinh doanh. Trong đó, ông Nguyễn Phúc Long và bà Hồ Thanh Hương (con rể và con gái ông Sơn) lại xuất hiện với vai trò cổ đông sáng lập của CTCP Hòa Thanh, dù các cổ đông sáng lập khác không hề biết gì về việc mua bán cổ phần nói trên. Điều khó hiểu là việc xin thay đổi đăng ký kinh doanh của ông Sơn vẫn được Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ chấp thuận (?).
Sự việc càng trở nên phức tạp, khi ngày 12/7/2010, CTCP Hòa Thanh ký hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án đầm Bạch Thủy với CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ (công ty con của CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 19/5/2010). Từ đây, ngày 28/7/2010, UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 181021000464, giao CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ thực hiện dự án biệt thự nhà vườn sinh thái nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, dịch vụ đồng quê, chăn nuôi, trồng trọt tại khu đất đầm Bạch Thủy. Tiếp đó, ngày 30/11/2010, UBND tỉnh ra Quyết định 3893/QĐ-UBND, thu hồi toàn bộ hơn 88 ha đất Dự án đầm Bạch Thủy, với lý do CTCP Hòa Thanh không thực hiện các hạng mục đầu tư chính theo dự án đã được phê duyệt.
Rõ ràng, việc Giám đốc Hồ Văn Sơn chuyển nhượng cổ phần cho con gái và con rể không thông qua Đại hội đồng cổ đông là trái pháp luật. Và khi quyền lợi của cổ đông CTCP Hòa Thanh chưa được giải quyết, thì CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ và công ty mẹ là CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để sở hữu diện tích hơn 88 ha của Dự án đầm Bạch Thủy. Và CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long cũng chưa thể dựa vào dự án này để phát hành cổ phiếu ra công chúng vào ngày 8/10/2010.
Tiền hậu bất nhất
Đến nay, CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long vẫn khẳng định, việc phát hành cổ phiếu bao gồm Dự án đầm Bạch Thủy là hoàn toàn đúng pháp luật. Tuy nhiên, chỉ cần dựa trên văn bản do CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long phát hành ngày 15/5/2012, gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, các cổ đông các nhà đầu tư, các cơ quan thông tấn báo chí do người ủy quyền công bố thông tin Phạm Công Phong và Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Phúc Long ký, cũng có thể dễ dàng nhận thấy những thông tin “tiền hậu bất nhất”.
Cụ thể, văn bản trên khẳng định: “CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) và công ty thành viên khẳng định không sử dụng tài sản của CTCP Hòa Thanh cũng như bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác vào bất kỳ mục đích trái pháp luật. CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) không dùng tài sản, dự án của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để phát hành cổ phiếu TIG, không lừa đảo bất kỳ nhà đầu tư nào...”.
Thế nhưng, cũng chính tại văn bản này, lại xuất hiện lời trần tình của Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phúc Long rằng: “Hiện tại, CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ xin giao đất, thuê đất theo quy định trình UBND tỉnh Phú Thọ ngày 10/2/2012 xem xét giải quyết”.
Tại trang 3, văn bản này còn cho biết thêm: “Theo quy định của pháp luật, CTCP Hòa Thanh phải có nghĩa vụ bàn giao lại khu đất dự án Khu du lịch sinh thái đầm Bạch Thủy trong thời gian sớm nhất theo Quyết định 3767/QĐ-UBND ngày 25/11/2011 của UBND tỉnh Phú Thọ cho TIG để bàn giao đất cho TIG theo quy định hiện hành kể từ ngày 30/12/2011, là ngày TIG hoàn thành việc chuyển trả toàn bộ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng”.
Văn bản công bố thông tin này còn có cáo bạch: “TIG sẽ kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ sớm giải quyết việc giao khu đất Vườn Vua, đầm Bạch Thủy có diện tích 886.991 m2 tại xã Đồng Luận, Trung Nghĩa, Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ theo quy định, để TIG thực hiện Khu du lịch biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua… Chúng tôi cam đoan những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bản Công bố thông tin này là đúng sự thật và chịu trách nhiệm đối với các thông tin đã cung cấp”.
Như vậy, đối chiếu thời gian công bố thông tin của TIG, có thể thấy, hơn 19 tháng sau khi chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng, TIG vẫn chưa hề được giao hơn 88 ha đất dự án đầm Bạch Thủy như đã niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Hơn nữa, CTCP Hòa Thanh đã bị thu hồi Dự án đầm Bạch Thủy, nhưng khi các hậu quả pháp lý của việc thu hồi chưa được giải quyết xong, thì nghĩa là, việc thu hồi chưa hoàn thành. Và việc TIG được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án đầm Bạch Thủy đến việc được giao đất để thực hiện dự án là 2 việc hoàn toàn khác nhau. TIG chắc chắn biết rất rõ điều đó.
Dù có đưa ra bất kỳ lý do gì, thì TIG và CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ cũng không thể biện minh được việc đã phát hành cổ phiếu với một phần giá trị của 88 ha đất Dự án đầm Bạch Thủy, khi đến thời điểm công bố thông tin, vẫn chưa có trong tay tài sản này. Hay nói một cách rõ ràng hơn, cổ phiếu mang mã số TIG có liên quan đến Dự án đầm Bạch Thủy có giá trị ảo, nhưng đã được phát hành gần 2 năm về trước, khiến nhà đầu tư ngộ nhận.
Nếu đến đầm Bạch Thủy vào thời điểm này, có thể thấy, đây vẫn là đồng ruộng hoang hóa, cây cối rậm rạp, không hề có bất kỳ biệt thự nhà vườn sinh thái nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, dịch vụ đồng quê, chăn nuôi, trồng trọt nào. Dư luận đặt câu hỏi: CTCP đầu tư Thăng Long Phú Thọ có làm giả giấy tờ, tài liệu để phát hành cổ phiếu, cho các nhà đầu tư ăn “bánh vẽ” hay không? UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cơ quan kiểm toán nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc điều tra, làm rõ câu hỏi này, để tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc có thể xảy ra.
(Theo Đầu tư)