Nêu ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch, theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nếu Luật quy hoạch không nhìn nhận thực tế khách quan của bao nhiêu năm qua, cái gì cũng ôm vào thì sẽ phải trả giá. Chỉ ra những lộn xộn trong quy hoạch tại Hà Nội hiện nay, ông thẳng thắn cho rằng lỗi nằm ở nhà quản lý.
Lỗi của người quản lý
Dự thảo Luật Quy hoạch đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Mặc dù đã qua nhiều lần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến dự thảo.
Đánh giá về vấn đề này, theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đây là việc quan trọng để chúng ta làm công tác quy hoạch, khớp nối công tác quy hoạch cho quốc gia. Trong đó, vị Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Theo tôi, đi vào cụ thể, Luật Quy hoạch còn rất nhiều vấn đề không ổn, nếu chúng ta cứ theo luật mà chúng ta đang trình thì sẽ vướng rất nhiều các luật khác dẫn đến dậm chân tại chỗ, đặc biệt là về công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng nông thôn sẽ ảnh hưởng rất lớn”.
Nhiều khu nhà giá rẻ mọc lên tại khu đô thị Linh Đàm
“Rất nhiều bộ luật khác phải điều chỉnh, phải thay đổi. Nếu chúng ta làm không đến nơi đến trốn thì rõ ràng sẽ dẫm chân nhau, ảnh hưởng đến quá trình quản lý xã hội thông qua các luật. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luật này ảnh hưởng đến 32 luật, mấy chục nghị định; nhưng tôi nghĩ luật này ảnh hưởng đến cả 70 luật và 85 nghị định. Tôi chỉ nói đến phạm vi điều chỉnh đã không ổn rồi. Chưa có luật nào mà phạm vi điều chỉnh lại nói trừ Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn ra. Tại sao Luật lại trừ cái nọ, cái kia? Hai luật này có luật riêng rồi cho nên không động chạm đến- nói như thế là không chuẩn” – ông Chính nói.
Nhìn vào thực tế trong quy hoạch hiện nay, ông Chính cũng thẳng thắn chỉ rõ, đồ án quy hoạch không phải cá nhân nào có thể làm được mà được tổ chức hết sức bài bản. Trong quá trình thực hiện, có cái chúng ta làm được, có cái chưa làm được. Đấy cũng là cái giữa thực tiễn và lý luận còn vênh nhau.
“Quy hoạch thì có nhưng thực hiện chưa được. Đường to đường nhỏ có quy hoạch hết rồi nhưng không thực hiện được là do lỗi của người quản lý. Nếu như sai lầm trong công tác quản lý phát triển đô thị thì người ra quyết định phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ vấn đề này cũng phải rõ ràng, minh bạch” - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh cần nhìn nhận khách quan về vấn đề này.
Lấy ví dụ từ khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, ông Chính cho rằng, 12ha mà xây 4 khối nhà cao 40 tầng, làm sao đúng luật được? Phải xem duyệt như thế nào? Nếu làm đúng thì xã hội phát triển, còn nếu làm duyệt sai thì phải trả giá.
Về khu đô thị Linh Đàm, tại Hội nghị Tổng kế Bộ Xây dựng đầu năm, ông Chính cũng từng chia sẻ những trăn trở: “Khi tôi còn công tác chúng tôi có đề xuất 2 khu đô thị mới khu đô thị Linh Đàm và khu đô thị Phú Mỹ Hưng là khu đô thị kiểu mẫu. Và thực tế khu đô thị Linh Đàm đã được giải thưởng quốc gia về xây dựng. 10 năm quy hoạch rất tốt nhưng vài năm trở lại đây buông lỏng cho một doanh nghiệp vào xây dựng nhà ở theo xã hội hóa. Mà bây giờ có 5ha mà làm 12 khối nhà 40 tầng khoảng 3 vạn người. Ai cho phép ký quy hoạch này. Tôi cho rằng đây là một điều cần phải xem xét”.
Theo vị Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nếu Luật quy hoạch không nhìn nhận thực tế khách quan của bao nhiêu năm qua, mà cái gì cũng ôm vào thì sẽ phải trả giá.
“Luật Xây dựng chúng ta đã làm nhiều năm qua và phát huy được tác dụng, tạo được sự phát triển cho xã hội. Giờ lại tích hợp vào Luật Quy hoạch rộng lớn như thế, nó lại thành bé cỏn con, trong khi một mình nó làm đã khó rồi” – ông Chính nêu vấn đề.
Cẩn trọng để không giẫm chân nhau
Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia chia sẻ, trên thế giới cách người ta làm quy hoạch và hệ thống quy hoạch hiện nay đang theo hướng mở, nghĩa là quy hoạch trên chỉ đặt ra những cái khung, tạo điều kiện cho quy hoạch dưới phát triển. Quy hoạch dưới phát triển sẽ phản hồi lại để quy hoạch trên điều tiết.
“Theo dự thảo Luật này có một số nội dung mà tôi cảm thấy vẫn chưa yên tâm. Ví dụ, nếu quy hoạch cấp dưới mà không phù hợp với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên. Luật quy hoạch là một bài toán của dự báo, dự báo trong vòng 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm. Không một ai có thể tài giỏi đến mức dự báo được đúng và chưa chắc, tôi nói rằng chưa chắc quy hoạch cấp trên đã đúng hơn, mà quy hoạch cấp dưới lại đúng, thì lúc đó chúng ta tuân thủ ai? Ai nghe theo ai?” – ông Hưng phân tích.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, hệ thống quy hoạch trong Luật Quy hoạch lần cốt lõi phải là mối quan hệ giữa các loại quy hoạch phải thật linh hoạt, phải thật mở.
Thêm một lo ngại nữa được các chuyên gia đề cập đến đó là sự “đụng chạm” quá nhiều. Cũng nêu vấn đề nhìn nhận từ thực tế khách quan, TS.Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: “Dự thảo Luật Quy hoạch nêu rõ luật này điều chỉnh 32 luật liên quan nhưng nói về việc sửa 32 luật này, người có trách nhiệm lại bảo chỉ cần bỏ đi 2 chữ “quy hoạch” là coi như sửa xong thì có đúng không? Chúng tôi tính toán, luật này không chỉ liên quan đến 32 luật được liệt kê ra mà tới 51 luật, 59 Nghị định hiện hành sẽ bị tác động”. Từ điều này, theo ông Nghiêm, một luật mới ban hành phải xem xét để đảm bảo có tính thực tiễn và xác định thời gian hợp lý để có điều khoản chuyển tiếp của các luật.
“Phải xác định rõ, quy hoạch xây dựng có vai trò đi trước một bước. Vậy luật Quy hoạch phải trả lời cho rõ tới đây việc quy hoạch tích hợp sẽ thế nào, đi song song với quy hoạch xây dựng hay đi sau, bước đi bằng giày, bằng guốc hay bằng chân đất… Những thông tin này trong dự thảo luật đều chưa thấy” – vị Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nêu ý kiến.
Dẫn lời Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Ngọc Chính cho hay: “Chủ tịch Quốc hội nói “Đây là luật khung về quy hoạch”, mà luật khung chỉ là điều chỉnh để các luật đi theo hành lang pháp lý để không chồng lấn lên nhau. Việc đó chúng ta phải xem xét, vì các Bộ, các ngành đều làm quy hoạch cả. Quy hoạch có thể cái này chồng lấn cái kia, Luật này phải làm thế nào để tạo hành lang pháp lý, từng luật, từng cơ quan pháp lý của Bộ ngành phải hết sức rõ ràng nhưng phải thống nhất với nhau”.