Giá nhà đất Australia thuộc loại đắt nhất thế giới mặc dù Australia đất rộng người thưa với diện tích 7.659.861 km2 lớn vào hàng thứ sáu trên thế giới trong khi dân số chỉ hơn 22 triệu, đứng hàng thứ 54.
Giá nhà đất Australia thuộc loại đắt nhất thế giới mặc dù Australia đất rộng người thưa với diện tích 7.659.861 km2 lớn vào hàng thứ sáu trên thế giới trong khi dân số chỉ hơn 22 triệu, đứng hàng thứ 54.
Địa lý phức tạp là nguyên nhân chính khiến giá nhà ở Australia đắt đỏ!
Một căn nhà ba phòng ngủ, có mảnh sân trước, chút vườn sau, một garage để xe hơi tại quận nội ô ở các thành phố lớn của Australia như Sydney, Melbourne hiện có giá xấp xỉ 600.000 AUD. Giá nhà nội đô của Australia nay đắt hơn cả các thành phố chật chội ở Tây Âu (Anh, Pháp, Ireland) khoảng 40% và đắt hơn giá nhà ở Mỹ... 85%!
Có một thống kê so sánh là với hai vợ chồng người Australia cùng đi làm thì họ cần 7,5 lần số lương hiện tại để đủ tiền mua nhà. Trong khi tại Anh chỉ là 4,5 lần, Đức chỉ cần 3,5 lần.
Hơn 80% dân số Australia sống tập trung ở các thành phố ven biển. Đất dư để xây nhà ở nững nơi này không còn nhiều. Ở Sydney, giá nhà mắc còn do địa hình núi đồi bao quanh, không thuận lợi để mở các đô thị vệ tinh mới xung quanh.
Trong khi đó, hiếm ai muốn chuyển đến các chốn thôn quê đìu hiu hút gió để sống. Những nơi này vốn dĩ đã hiu quạnh lại còn khó kiếm việc làm. Người dân thường chỉ thích tụ tập, dọn đến những nơi có việc làm, gần công sở, sống gần bạn bè, người thân. Điều này làm cho nhà đất ở trung tâm Sydney thêm đắt đỏ. Những nơi có bến tàu xe đi làm thuận tiện càng lên giá đều đều.
Giá nhà ở Australia mắc còn do gần đây giới thầu khoán xây nhà ít hơn bởi việc đầu tư xây nhà rồi bán lại không còn lãi nhiều như trước. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, ngân hàng Australia xiết lại các khoản cho vay để xây căn hộ, khu dân cư mới. Họ sợ lặp lại vết xe đổ từng xảy ra ở Mỹ khi chủ đầu tư bị nợ xấu không trả nổi, thị trường nhà đất bị đánh sập.
Nền kinh tế Australia khá vững trong cơn khủng hoảng toàn cầu nên thời gian qua người Australia quan tâm hơn đến chuyện mua nhà. Nhiều người cùng đi săn nhà nhưng số nhà rao bán tại thị trường nhà đất có hạn, cung không đủ cầu, giá nhà lại tăng.
Theo số liệu của Cục Thống kê Australia (ABS), trong năm 2009 - 2010 vừa qua giá nhà ở Australia tăng 18,4%. Còn tính trong 10 năm trở lại đây thì nhà đất tăng tới 165%. Các chuyên gia có lý khi lo ngại Australia đang có hiện tượng bong bóng bất động sản. Họ cho rằng giá nhà ở Australia cao hơn giá trị thật vào khoảng 15% và sẽ mất ba năm tới để điều chỉnh trở lại với mức giá thật của nó.
Sau nhiều lần lên giá, tiền điện ở Australia hiện nay là 14,3 cent/kwh (khoảng 3.000 đồng Việt Nam). Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm dừng. Hiệp hội Người tiêu dùng năng lượng nước Australia EUAA dự đoán rằng giá điện tại Australia sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm và sẽ gấp ba lần trong 10 năm tới.
Nếu tính đến các nhân tố làm cho giá điện rẻ, Australia có nhiều ưu thế không thể bỏ qua. Australia là nước có trữ lượng than lớn thứ năm trên thế giới, nhiệt điện chiếm 70% sản lượng điện quốc gia. Tìm đất để xây nhà máy nhiệt ở Australia không mấy khó khăn, thế nhưng giá điện ở Australia lại đắt hơn Đài Loan và Hàn Quốc vốn là hai quốc gia thường xuyên phải... nhập than của Australia về để làm nhiệt điện!
Các chuyên gia nhận định rằng nếu tiền điện ở mức cao như hiện nay, trong tương lai các sản phẩm luyện kim của Australia và cả nông sản sẽ không cạnh tranh nổi với hàng từ Trung Quốc vì giá thành tăng cao khi phải trả chi phí sản xuất trong đó có tiền điện nhiều hơn.
Còn ở lĩnh vực tiêu thụ hộ gia đình, trung bình hộ gia đình Australia trả tiền điện mắc hơn 1/3 so với gia đình ở Hàn Quốc và Đài Loan. Riêng trong năm ngoái tiền điện ở Australia tăng 12,4%, gấp bốn lần chỉ số CPI (độ tăng của lạm phát).
Giá điện tăng mạnh do hai nguyên nhân chủ yếu. Đó là các công ty điện lực cần thêm nguồn kinh phí (lên đến hàng tỷ AUD) để xây thêm nhà máy phát điện và kéo đường truyền tải mới nên gây sức ép buộc chính phủ tiểu bang thông qua đề nghị tăng giá điện. Các công ty điện lực đuợc phép trích vài phần trăm tiền điện thu được để rót vào các dự án đầu tư cho chỉ tiêu “năng lượng tái tạo” do chính phủ liên bang áp đặt (đến 2020, một phần năm lượng điện tại Australia phải có gốc từ điện mặt trời hay điện sức gió).
Lý do thứ nhì là dù nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu thụ tăng vọt, trong hai thập niên qua Australia chưa xây thêm nhà máy phát điện nào. Một số người nhận định nếu các tiểu bang tuần tự xây thêm máy phát điện trong hai thập niên qua thì có lẽ dân Australia không phải chịu cảnh giá điện tăng đến chóng mặt như bây giờ.
Giám đốc Văn phòng Điều phối Giá điện (AER - thuộc chính phủ liên bang là nơi ấn định giá bán điện) Andrew Reeves so sánh hệ thống truyền tải điện của Australia như chiếc xe hơi cũ rích, khó đáp ứng với nhu cầu tăng vọt của các khu dân cư mới.
Theo ông Reeves, phần lớn đường dây, trạm biến điện của Australia xây từ thập niên 1960-1970, nay cần nhiều vốn để nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu xài điện gia tăng của hộ dân. “Chính người tiêu dùng là đối tượng buộc phải giúp ngành điện lực nâng cấp hệ thống truyền tải điện bằng việc họ phải đóng hóa đơn điện cao hơn nữa”, ông Reeves nói.
AER cảnh báo rằng người tiêu dùng Australia có thể phải chịu cảnh cúp điện một hoặc hai năm tới nếu họ từ chối trả tiền điện cao hơn.
(Theo Tầm Nhìn)