Trong tuần qua, thông tin bán tháo dự án, vỡ nợ và hàng loạt
chương trình giảm giá, cắt lỗ đã khiến cho nhiều người lo ngại về thị trường
bất động sản có thể bị “đổ vỡ”.
Trong tuần qua, thông tin bán tháo dự án, vỡ nợ và hàng loạt chương trình giảm giá, cắt lỗ đã khiến cho nhiều người lo ngại về thị trường bất động sản có thể bị “đổ vỡ”.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Giá bất động sản đáng lẽ phải hạ từ sớm
Theo tôi, giá bất động sản đáng lẽ phải hạ từ sớm, chứ không phải đợi đến bây giờ mới hạ. Nếu nhà kinh doanh bất động sản nào có kinh nghiệm thì họ đã phải làm việc đó từ lâu rồi.
Hiện nay có thực tế là nhiều doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đang làm ăn theo kiểu “cầu may”, hy vọng đến cuối năm 2011, bức tranh kinh tế sẽ khá hơn nhưng sau khi nghe ngóng, đến hết quý III/2011 nhưng kinh tế vẫn không mấy khởi sắc; triển vọng năm 2012 cũng vẫn còn u ám nên đến giờ họ mới chịu hạ giá.
Tôi cho rằng, đây mới chỉ là sự khởi đầu, từ nay đến cuối năm và sang đến cả năm 2012, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải hạ giá bất động sản nữa nếu muốn tồn tại.
Ở Mỹ từ cách đây vài năm, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã chấp nhận cắt lỗ, giảm giá đến 50% thì việc các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước sức ép trả nợ ngân hàng, buộc phải giảm giá cũng là dễ hiểu.
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường: Thị trường bất động sản chưa sập
Từ đầu năm đến nay, chúng ta đang phải kiềm chế lạm phát, thị trường tiền tệ, tài chính không ổn định. Không ai dại gì đi đầu cơ bất động sản vào lúc thị trường trong trạng thái này. Vì thế, nếu ai đầu cơ và chịu thua lỗ, thất thiệt như vậy thì phải chịu, đó là chuyện thị trường rồi.
Tôi biết một vài dự án có mức giảm giá từ khoảng 26 triệu/m2 xuống khoảng 16 triệu/m2. Nhưng thực sự, mức giảm đó chưa phải là quá nhiều, là thấp đâu. Đối với mặt bằng giá trị xây dựng hiện nay, tôi cho rằng mức giá 16 triệu/m2 đó hãy còn cao. Cho nên, với việc chỉ giảm có 2-3 triệu đồng/m2 thì giá thị trường bất động sản hiện nay vẫn là cao.
Đừng thấy rằng động thái này động thái kia, xuống giá mà ta đã sốt ruột sợ thị trường bất động sản sẽ vỡ. Vì thị trường bất động sản hiện nay không vì người tiêu dùng! Những đổ vỡ rồi bán tháo địa ốc, đừng vội nghĩ đó là bất thường, nghĩ là thị trường sắp sập đến nơi rồi.
Điều mà chúng ta vẫn muốn là thị trường bất động sản cần xuống giá hơn nữa, thì khi đó, biểu hiện thị trường này còn tốt hơn.
Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam: Không nên quy chụp thành hiện tượng “bán tháo” hay “vỡ” thị trường
Năm 2006 – 2008 là giai đoạn bùng nổ và tăng trưởng tín dụng, đặc biệt tỷ trọng cho vay các dự án bất động sản rất cao. Đến cuối năm 2010, theo thống kê của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, dư nợ tín dụng cho vay bất động sản tại TP HCM chiếm 36%, Hà Nội là 16%. Sau thời gian ân hạn để xây dựng thì các doanh nghiệp phải trả gốc và lãi, chính vì thế rơi vào thời điểm hiện nay.
Đây là một áp lực với doanh nghiệp, khi phải trả lãi cho ngân hàng. Trong khi đó, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, tại TP HCM, cung cầu nhà ở đã tương đối cân nhau, trong khi đó Hà Nội, phân khúc căn hộ cao cấp đã bão hòa. Nhìn chung thanh khỏan của thị trường bất động sản là rất thấp.
Bản chất việc giảm giá là chủ đầu tư đưa ra gói tài chính cho việc mua sản phẩm bất động sản, có kèm theo điều kiện về tỷ lệ tổng số tiền cần thanh toán là bao nhiêu. Đây là việc thực hiện theo cơ chế thị trường, đối với người mua và người bán.
Mặc dù việc giảm giá mạnh sản phẩm bất động sản có những mặt trái nhưng có mặt tích cực, theo tôi giảm giá là chuyện bình thường, không nên quy chụp thành hiện tượng “bán tháo” hay “vỡ” thị trường.
TS. Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội: Khó có khả năng “vỡ” thị trường bất động sản
Chúng ta đã chứng kiến những giai đoạn tăng giá rất mạnh, thậm chí quá phi lý của thị trường bất động sản, và việc tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua có lúc đã tạo ra những cơn “sốt nóng” về bất động sản.
Kinh nghiệm của thị trường bất động sản lớn như Mỹ, Thái Lan… thấy rằng, đây chính là dấu hiệu khởi đầu cho sự sụp đổ bong bóng bất động sản, tạo ra những hiệu ứng domino về khủng hoảng kinh tế, tài chính. Tuy nhiên, độ nóng của nó đã được kiểm soát tại Việt Nam.
Tôi tin rằng, thời gian tới còn phải tiếp tục hạ hơn nữa, để đưa giá bất động sản về đúng giá thực, đưa lợi nhuận kinh doanh về đúng với số lợi nhuận bình quân, thì lúc đó chúng ta sẽ có được một trạng thái tốt hơn.
Việc bán hạ giá tương đối mạnh tay của một số chủ đầu tư, là những phản ứng tích cực và cần thiết của họ, trước các phản ứng chính sách và thị trường mà thôi.
Tôi không tin nhiều vào khả năng “vỡ” thị trường bất động sản của Việt Nam, cũng như của cả nước, thậm chí còn tin tưởng rằng, đến năm 2012 và các năm tiếp theo, sẽ có thể có những động lực mới cho phát triển bất động sản của Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Cần “bàn tay” can thiệp của Nhà nước để điều tiết và dẫn dắt thị trường đi đúng hướng.
Có thể thấy rằng, sau chính sách thắt chặt tiền tệ và hạn chế cho vay đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực phi sản xuất, thị trường bất động sản đã tỏ rõ sự suy yếu. Bằng chứng là hàng loạt công trình xây dựng đang bị đình đốn, giãn tiến độ. Nhiều dự án nhà ở giảm giá mạnh từ 30 đến 40%, thậm chí có nơi chỉ còn 15,5 triệu đồng/m2.
Bài toán nan giải nhất là đối với các dự án đã bán được một phần, nếu không giảm giá sẽ vừa khó cạnh tranh với các dự án mới, vừa khó huy động được nguồn lực để tái đầu tư, còn nếu giảm giá thì sẽ khó xử với các khách hàng đã mua đợt đầu. Hay các dự án đang xây dựng dang dở, khi bị thắt chặt tín dụng, đã không còn khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện và cho ra sản phẩm. Nhìn chung là bế tắc, vì thực tế, thị trường bất động sản giảm giá mạnh nhưng không có người mua. Không phải vì họ không có nhu cầu mà vấn đề là bị hạn chế bởi nguồn tiền.
Giá bất động sản tăng-giảm phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường. Điều đó là đúng. Nhưng nếu thị trường giảm giá mạnh như thế, vẫn không kích thích được tiêu dùng, không có thêm hoạt động đầu tư, kinh doanh và các doanh nghiệp thì có thể đứng trên bờ vực phá sản trước nhiều sức ép do cạn vốn, do lãi suất, đáo nợ ngân hàng, rồi chi phí giá cả đầu vào tăng cao… thì rất cần “bàn tay” can thiệp của Nhà nước để điều tiết và dẫn dắt thị trường đi đúng hướng.
Dù sao cũng cần coi các doanh nghiệp bất động sản tương tự như các doanh nghiệp nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ. Họ cũng cần trợ giúp khi đặc biệt khó khăn.
(Tổng hợp LĐ/TBKTVN)