Hàng loạt dự án giảm giá một cách bất ngờ và sự kiện “mua nhà giá
gốc” thời gian vừa qua đã gây một “tiếng vang” trong dư luận. Thế nhưng,
nhìn vào thực tế cả hai sự việc đã và đang diễn ra lại không như kỳ
vọng của nhiều người.
Hàng loạt dự án giảm giá một cách bất ngờ và sự kiện “mua nhà giá gốc” thời gian vừa qua đã gây một “tiếng vang” trong dư luận. Thế nhưng, nhìn vào thực tế cả hai sự việc đã và đang diễn ra lại không như kỳ vọng của nhiều người.
Người bán, người mua đều không mặn mà
Sau những lùm xùm, cuối cùng sự kiện "Ngày hội mua nhà giá gốc" cũng diễn ra trong 3 ngày (21 - 23/10) nhưng các gian hàng lại luôn trong tình trạng vắng vẻ. Ban tổ chức (BTC) đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ: Không thu bất kỳ khoản phí nào đối với người dân tham dự và đăng ký mua nhà giá gốc, cũng như của doanh nghiệp tham gia bán nhà giá gốc tại hội chợ. Bên cạnh đó, BTC còn tăng diện tích gian hàng và điều chỉnh giá thuê.
Hơn nữa, do có tới 50% doanh nghiệp BĐS lớn hủy bỏ ý định tham gia, đặc biệt là sự vắng mặt của các doanh nghiệp như Vinaconex, Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng… khiến người tiêu dùng đắn đo, không an tâm để mua sản phẩm.
Theo số liệu của BTC khi kết thúc ngày hội, chỉ có 32/63 đơn vị đăng ký tham gia, 6.300 khách tham quan, 35 gian hàng trưng bày, 1.672 sản phẩm đăng ký bán nhà giá gốc. Con số này thấp hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu của đơn vị tổ chức (500 vị trí tư vấn bán hàng trực tiếp, hướng tới 1.000 giao dịch, thu hút 10.000 người có nhu cầu).
Theo tìm hiểu của PV, khách đến chủ yếu là để tham quan, tìm hiểu giá cả tại hội chợ và so sánh với giá thị trường. Nhiều khách chưa ưng ý với các sản phẩm được trưng bày, cả về giá cả lẫn diện tích. Nhiều gian hàng giới thiệu dự án tại Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng… không thiết thực với khách hàng tại Hà Nội.
Chị Phương Anh, một khách hàng cho biết, rất khó để chị tìm được một sản phẩm phù hợp. Hơn nữa, chị hơi thất vọng vì giá cả chẳng khác gì so với các sàn giao dịch BĐS. Nhiều dự án ở khá xa, không phù hợp với nhu cầu.
Bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm trưng bày cũng tỏ ra không thật kỳ vọng lượng giao dịch sẽ thành công. Bởi lẽ, tới đây các doanh nghiệp cũng chỉ mong muốn giới thiệu các khách hàng biết đến dự án, còn các giao dịch thành công phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
“Đại hạ giá”: Có vì lợi ích của người mua?
Cuối tháng 10, Cty cổ phần địa ốc dầu khí (PVL) gây sốc cho thị trường BĐS khi tiến hành giảm 35% giá trị căn hộ thuộc dự án Petro Vietnam Landmark (Quận 2, TPHCM). Quá trình bán hạ giá căn hộ của PVL khiến nhà đầu tư đi từ vui mừng đến hẫng hụt do điều kiện mua ngặt nghèo, không khuyến khích khách hàng của chủ đầu tư. Không chỉ yêu cầu bốc thăm 15 trong số 85 căn hộ hạ giá, khách hàng còn phải trả ngay 100% giá trị trong khi không được sử dụng ngay.
Theo đó, khách hàng đăng ký nhu cầu và đặt trước khoản tiền 500 triệu đồng đối mỗi phiếu bốc thăm trong thời gian từ 2/11 đến 7/11, tiền cọc sẽ không được hưởng lãi. Lễ bốc thăm sẽ được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 8/11 tại trụ sở của PVL ở tầng 3 tòa nhà C.E.O, đường Phạm Hùng, Hà Nội.
Hơn nữa, PVL đưa ra điều kiện: Đối với khách hàng tham gia bốc thăm thành công được quyền mua căn hộ, PVL yêu cầu ký hợp đồng mua bán và thanh toán đủ 100% giá trị căn hộ trong vòng 3 ngày kể từ ngày tổ chức bốc thăm. Nếu không sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc.
Nhiều khách hàng cho rằng, bất luận doanh nghiệp áp dụng hình thức khuyến mãi thế nào, như tặng nội thất, xe hơi; chiết khấu giá bán; chia nhỏ tiến độ thanh toán thành nhiều đợt... thì cái mà người ta quan tâm nhất chính là sẽ được lợi gì từ các chính sách bán hàng ấy?
Nhưng với cách “khuyến mãi” của PVL hay của một số doanh nghiệp hiện nay ngay cả khi giảm giá đến 30% thì so với lãi suất ngân hàng, người mua nhà cũng không được hưởng lợi là bao nhiêu.
Đơn vị nào cũng quảng cáo khá rầm rộ về chương trình của họ, về những lợi ích mà họ cam kết hướng tới khách hàng. Song trên thực tế, giá bán, lợi ích vì người mua lại không như những gì doanh nghiệp đã khẳng định. Và cái cách “đại hạ giá thách đố” của họ thực chất là “làm khó” khách hàng và chỉ hướng tới những người có tiền, nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về tài chính trước mắt chứ thực ra không phải vì lợi ích của người có nhu cầu thực sự.
(Theo Tầm nhìn)