Giá nhà cao ngất trong khi địa ốc ế ẩm khiến hàng loạt nhà đầu tư phải rút vốn tháo chạy khỏi thị trường. Giới chuyên gia nhận định, để kích cầu người có nhu cầu thực, BĐS phải phá giá thêm 50%.
Giá nhà cao ngất trong khi địa ốc ế ẩm khiến hàng loạt nhà đầu tư phải rút vốn tháo chạy khỏi thị trường. Giới chuyên gia nhận định, để kích cầu người có nhu cầu thực, BĐS phải phá giá thêm 50%.
Chạm đáy
Đã bước vào tháng cuối cùng của quý II nhưng thị trường địa ốc Hà Nội vẫn chưa chứng kiến một sự khởi sắc đáng kể nào. Giá nhà đất tiếp tục giảm sâu, từ căn hộ, nhà liền kề đến biệt thự giảm giá tới 15%. Tiêu biểu như dự án Kim Chung Di Trạch về mức 22-32 triệu đồng/m2, Bắc Quốc lộ 32 cũng giảm trung bình xuống còn 30-35 triệu đồng/m2, Dương Nội còn 36-40 triệu đồng/m2, Gleximco hạ nhiệt còn 38-42 triệu đồng/m2, dự án Văn Khê giá bao gồm xây thô, hoàn thiện cũng chỉ còn 70 triệu đồng/m2…
Tình thế khó khăn của thị trường BĐS càng thể hiện rõ nét hơn khi một số doanh nghiệp dịch vụ BĐS tiếng tăm từ chỗ đợi “bán buôn” cho các nhà đầu tư nay cũng phải chấp nhận quay sang đi chào mời đến từng khách lẻ.
Điều này có nghĩa một lượng lớn giới đầu tư, đầu cơ - những người chi phối mạnh đến thị trường vài năm về trước gần như đã “ngấm đòn” và không còn đủ tiềm lực để tiếp tục “ôm” các dự án, buộc các công ty này phải tìm kiếm đối tượng khách hàng mới. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trên thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường BĐS đang chạm đáy, nhưng đáy này theo hình nào còn phải nghiên cứu. Thời gian BĐS ảm đạm đã quá dài, vì thế khó có thể coi đây là đáy hình parabol được. Cũng theo Bộ trưởng Dũng, trong năm 2012 thị trường BĐS tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga chia sẻ mặc dù ngân hàng đã hạ lãi suất nhưng thực tế vẫn ngoài tầm với của doanh nghiệp. Lãi suất cao cùng với Nghị định 69 yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường sát giá thị trường khiến giá đất bị đẩy cao.
"Chỉ cần ra ngoài thành phố chúng ta sẽ có nhiều dự án buộc dừng lại, hàng loạt công trình dở dang. Tiền nằm trong đất rất lớn và doanh nghiệp thì án binh bất động" - ông Nga nói.
Giải phóng “hàng tồn”
Một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh địa ốc ảm đạm như hiện nay, chuyện nhà đầu tư rút tiền về, chấp nhận lỗ là điều dễ hiểu. Bài học từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho thấy năm 2009, trong khi thị trường lao dốc, tập đoàn này đã phá giá căn hộ để đẩy hàng nhanh và thực tế họ đã thành công. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh dự án cao cấp phải giảm giá tới 50%, căn hộ bình dân hạ 30% mới có thể kích cầu.
Đồng tình quan điểm trên, ông Phạm Sĩ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho hay thị trường không có khách mua, song giá nhà vẫn còn cao. Mặc dù khẳng định, môi giới là tác nhân quan trọng khiến cung gặp cầu, song theo ông Liêm, đây cũng chính là nguyên nhân thổi giá địa ốc.
“Vấn đề cốt lõi là phải sàng lọc giữa môi giới với cò đất. Ở Trung Quốc, địa ốc phát triển lành mạnh, cung gặp cầu nhờ môi giới phát triển theo đúng nghĩa, còn ở Việt Nam ngược lại, môi giới hình thành tràn lan và thi nhau thổi giá" - ông Liêm nói.
Lãnh đạo tổng hội cũng bày tỏ sự lo ngại khi xảy ra hiện tượng nhiều người dân chán cảnh sống ở chung cư vì chất lượng không đảm bảo, giá lại cao ngất. Thêm vào đó nhiều vụ hỏa hoạn, tranh chấp mâu thuẫn nổi lên mà đình đám nhất phải kể đến dự án Keangnam Landmark Tower, chủ đầu tư đòi trả lại quyền quản lý cho thành phố.
"Đã có người mua chung cư mới nhưng lại bán gấp để quay trở về mua các khu tập thể cũ, vì so mức giá không chênh nhiều nhưng có hạ tầng thuận lợi và không phải lo đóng phí quản lý"- ông Liêm chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp BĐS cho rằng họ không thể giảm giá sâu hơn nữa. Nhưng theo nhiều chuyên gia nếu phải chấp nhận hạ giá thấp, phá giá để giải phóng “hàng tồn kho”, quay vòng vốn doanh nghiệp cũng nên cân nhắc bởi BĐS cũng là hàng hóa, cần phải khuyến mại để kích thích khách hàng mở hầu bao.
Thời gian qua, địa ốc phát triển quá nóng, doanh nghiệp làm giàu dễ dàng nhưng hiện nay khó khăn đến cùng cực, doanh nghiệp cần phải tính đến các chiêu thức để “kích cầu”.
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, quý I-2012, cả nước có khoảng 486 khu đô thị mới, nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa tiến hành triển khai. Hà Nội có 200 trong tổng số 750 dự án được triển khai. Thống kê của các công ty tư vấn cho thấy trong thời gian tới Hà Nội có khoảng 50.000 căn hộ, biệt thự, nhà liền kề đang xây dựng.
Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết xét trung và dài hạn, khoảng 2-5 năm tới, thị trường sẽ bội thực nguồn cung nhưng thực tế trong ngắn hạn Hà Nội vẫn thiếu những căn hộ có thể ở được ngay. Đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp BĐS giảm giá về mức mà người tiêu dùng chấp nhận được.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, doanh nghiệp nên chuyển nhượng dự án nếu thấy không đủ khả năng, hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn.
(Theo SGĐTTC)