Những kiến nghị của doanh nghiệp (DN) liên quan đến việc thu hồi đất, tiền sử dụng đất, giá đất, sở hữu đất,... sẽ được bổ sung trong Luật Đất đai sửa đổi.
Những kiến nghị của doanh nghiệp (DN) liên quan đến việc thu hồi đất, tiền sử dụng đất, giá đất, sở hữu đất,... sẽ được bổ sung trong Luật Đất đai sửa đổi.
Theo đó, gần như DN sẽ không đi thỏa thuận, đền bù với dân mà cơ quan nhà nước sẽ đảm trách nhiệm vụ này. Đồng thời, giá đất sẽ được ổn định lâu dài, không phải mỗi năm thay đổi một lần như hiện nay...
Có thể nói thị trường BĐS lâm vào tình trạng như hiện nay không chỉ đơn thuần xuất phát từ chính sách mà chính bản thân ngành BĐS cũng có nhiều sai sót. Lâu nay, dự án miễn nằm trong quy hoạch là được cấp phép, dù quy hoạch tổng thể có giá trị từ 10 - 50 năm.
Chẳng hạn, với quy hoạch thủ đô mới, có tầm nhìn đến năm 2050 nhưng cơ quan quản lý lại cấp phép cho toàn bộ dự án chỉ trong vòng 10 năm, vậy 40 năm sau sẽ làm gì? Chính vì vậy, bên cạnh kế hoạch lớn cần có kế hoạch làm từng năm để phù hợp với nhu cầu thị trường, nguồn lực DN và sự phát triển của hạ tầng.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là tài chính. Từ trước đến nay, DN trông vào vốn vay ngân hàng là chủ yếu nhưng phải luôn đối diện với lãi suất cao, chính sách nhiều thay đổi... Hiện, chúng ta đang chuẩn bị một số định chế tài chính để hỗ trợ việc này. Bộ Xây dựng đang dự tính thành lập Ngân hàng Xây dựng để tài trợ cho nhà đầu tư BĐS và vật liệu xây dựng.
Trong tuần này, Bộ sẽ trình Chính phủ hai đề án: Quỹ Tiết kiệm hỗ trợ cho người nghèo mua nhà và Quỹ Tiết kiệm cho những người trung lưu tự gửi với nhau để mua nhà. Điều này góp phần tạo được cầu và công cụ thanh toán hỗ trợ người mua.
Ngoài ra, Bộ cũng đã có dự thảo về Chương trình phối hợp hành động giữa Bộ và hai thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) để đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở, trong đó có hành lang pháp lý để phát triển nhà cho thuê.
Cùng với những chính sách mang tính dài hạn, chúng ta cần giải pháp cấp bách để vực dậy thị trường BĐS. Tính đến thời điểm này, trong khi thị trường phía Bắc mới trầm lắng một năm, thì phía Nam đã phải chịu cảnh này 3 năm. Do đó, DN cần chủ động tham gia đóng góp giải pháp tháo gỡ, xây dựng cơ chế phát triển thị trường phù hợp.
Hiện nay, Bộ cũng chuẩn bị báo cáo Thủ tướng về thị trường BĐS và hệ lụy của nó đến ngành vật liệu xây dựng và các loại hàng hóa khác. Theo đó, đề xuất đưa BĐS vào Nghị quyết 13 (được hưởng những giải pháp tháo gỡ trong Nghị quyết này), đưa một số giao dịch BĐS vào diện được miễn - giảm VAT, hỗ trợ đối với các giao dịch mua BĐS lần đầu...
Cũng cần phải nói thêm là trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ đón nhận những tín hiệu vui từ chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ.
Hiện nay, chúng ta còn 120.000 tỷ đồng/180.000 tỷ đồng trong kế hoạch phải chi. Số tiền này khi bơm ra thị trường (chủ yếu đầu tư vào hạ tầng) sẽ tạo nhiều hiệu ứng tốt. Cụ thể là kích ngành vật liệu xây dựng (đang tồn kho 3 triệu tấn xi măng, gạch tồn kho 2 tháng, thép 220.000 tấn...), DN sẽ đi vay tiền làm công trình (kích tăng trưởng tín dụng).
Ngoài ra, trong kế hoạch giải ngân vốn năm nay vẫn còn 38.000 tỷ đồng huy động từ trái phiếu Chính phủ, vốn tạm ứng của năm 2013, cùng 17.000 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác... Như vậy, từ đây đến cuối năm, lượng tiền sẽ cho ra thị trường là 500.000 tỷ đồng (cộng thêm từ nguồn tăng trưởng tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng), không ít thì nhiều cũng kích thích các thị trường phát triển.
Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
(Theo DNSG)