Dòng tiền từ một số nước châu Á đang muốn tràn ra ngoài lãnh thổ để đến
với các thị trường đang phát triển. Thị trường bất động sản Việt Nam
đang được chú ý, nhưng như thế đã đủ hút vốn ngoại?
Dòng tiền từ một số nước châu Á đang muốn tràn ra ngoài lãnh thổ để đến với các thị trường đang phát triển. Thị trường bất động sản Việt Nam đang được chú ý, nhưng như thế đã đủ hút vốn ngoại?
Còn nhớ, ở thời điểm mà CBRE Việt Nam công bố báo cáo thị trường quý II năm 201, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc công ty này đã đưa ra nhận định: các nhà đầu tư nước ngoài vẫn theo dõi tình hình nhưng thị trường Việt Nam không còn nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư nữa. Chính sự thiếu minh bạch, những điều kiện thực tế của thị trường đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Đó là thông tin không mấy tích cực, nhất là trong bối cảnh thị trường đang khan vốn và việc có hay không dòng tiền ngoại đổ vào sẽ đem lại những hiệu ứng đáng kể. Trước tình thế đó, nhiều công ty chuyên về tư vấn bất động sản như CBRE, Savills đều đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản của Việt Nam nên tìm các đối tác ngoại để “tiếp sức” và cũng để học hỏi trong giai đoạn này. Và một khi nhà đầu tư ngoại trở nên e dè, thì cũng đã xuất hiện những doanh nghiệp, những quỹ đầu tư chủ động đi tiếp thị gọi vốn ngoại.
Từ một phiên hội chợ
Mới đây, MIPIM ASIA và CBRE Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam trong hai ngày 1 và 5 tháng 8 tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là một hoạt động thường niên nhằm chuẩn bị cho Hội chợ Triển lãm Bất động sản Quốc tế MIPIM ASIA 2011 sẽ diễn ra tại Hồng Kông từ 15 – 17/11 năm nay. Điều đáng nói ở sự kiện vốn được coi là “Hội nghị thượng đỉnh Bất động sản cao cấp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương” lần này là số doanh nghiệp Việt Nam tham dự cuộc gặp đã tăng lên đáng kể, với các tên tuổi lớn như: Vinaconex, CEO Investment, Viglacera Land, Vihajico, Vincom…
Ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành CBRE tại Hà Nội, nhìn nhận đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung hiện đang còn nhiều dự án cần đẩy mạnh hơn nữa qua con đường tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hợp tác.
Tuy từ chối trả lời cụ thể về thước đo hiệu quả của việc các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các kỳ hội chợ trước đó, nhưng trưởng đại diện của MIPIM ASIA tại Việt Nam, ông Lê Vĩnh Đức, Giám đốc Công ty Truyền thông An Đức lại chọn cách đưa ra các con số để chứng minh. Đó là “nếu như năm 2006 có khoảng 6 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ, thì đến năm 2010 đã có tổng cộng 60 doanh nghiệp tham gia, với 19 doanh nghiệp có gian hàng triển lãm”. Một tên tuổi đã tham gia liên tiếp các kỳ hội chợ với mức đầu tư gia tăng như VinaCapital cũng được dẫn ra để cho thấy tính hiệu quả của việc chủ động ra ngoài tìm đối tác như thế nào.
Để đáp lại sự tham gia từ phía doanh nghiệp Việt Nam, ông William Young, Giám đốc Dự án cấp cao MIPIM ASIA đưa ra cam kết, tổ chức này sẽ tiếp tục tập trung vào việc xúc tiến và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam nhằm tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
Gọi vốn dễ hay khó?
Theo ông William Young, các nhà đầu tư ở châu Á đang có xu hướng di chuyển dòng tiền ra ngoài lãnh thổ của mình. Hiện nay, thị trường bất động sản của Singapore và Hông Kông đã hồi phục nhưng đi cùng với đó là chi phí tăng lên. Thị trường Trung Quốc thì có nhiều tranh cãi xung quanh quan điểm đầu tư. Trong bối cảnh ấy, thị trường Việt Nam đang được nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến.
Đi vào phân tích những yếu tố đang khiến thị trường bất động sản Việt Nam khó khăn, ông William Young và ông Richard Leech đều cùng quan điểm: “cầu vồng sẽ xuất hiện sau giông bão”. Việt Nam vẫn là địa điểm thích hợp để nhà đầu tư lựa chọn vì tính thanh khoản. “Tôi nghĩ là 5 năm hay thậm chí chỉ 2-3 năm nữa, Việt Nam sẽ ngày càng thể hiện được tính hấp dẫn về mặt thanh khoản, như vậy cơ hội kinh doanh với các nhà đầu tư ngày càng tốt hơn”, ông William Young nhấn mạnh.
Đã có một giai đoạn các dự án bất động sản Việt Nam dựa chủ yếu vào vốn ngoại, nhưng sau đó, khi các ngân hàng thương mại trong nước cung cấp vốn đạt được như yêu cầu của các nhà đầu tư thì mức độ phụ thuộc giảm đi. Còn giai đoạn này, khi vốn đầu tư nước ngoài đang xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua và trong bối cảnh vốn vay trong nước bị thắt chặt, thì lối ra cho các doanh nghiệp lại là tìm kiếm cơ hội hợp tác với nước ngoài, đại diện của CBRE chia sẻ cùng vị chuyên gia của MIPIM ASIA.
Trong ngắn hạn, ông William Young cho biết, có nhiều khách hàng quan tâm đến đầu tư vào bất động sản Việt Nam ở nhiều phân khúc như: nhà ở, trung tâm thương mại, khách sạn và bán lẻ. Nhưng rõ ràng, gọi vốn ngoại cũng không hề dễ vào lúc này. Cơ chế pháp lý của Việt Nam chưa cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền thế chấp các dự án của mình với các ngân hàng nước ngoài. Nghĩa là trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng nước ngoài có mặt tại Việt Nam cùng có thể bị kẹt, ông William Young bình luận.
Thị trường đang ở giai đoạn thanh lọc, chỉ những nhà đầu tư trường sức mới có thể trụ lại được. Và một trong những điều giúp doanh nghiệp trụ vững chính là khả năng chủ động tìm kiếm nguồn vốn, khó vay vốn ngân hàng thì cần đa dạng các hình thức huy động từ cổ phần tư nhân, từ các quỹ đầu tư và từ các đối tác nước ngoài. Nhưng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ kỹ năng để đối thoại và hợp tác với nhà đầu tư. Chủ động đi ra ngoài tiếp thị là một cách đáng để cân nhắc!
(Theo Doanh nhân)