Thị trường bất động sản (BĐS) vùng ven Tp.HCM gồm Đồng Nai, Long An và Bình Dương đang có sự phân hóa rõ rệt.Trong khi thị trường Đồng Nai, Long An đang sôi động, thì thị trường Bình Dương lại im ắng đến lạ thường...
Sự “lên ngôi” của BĐS Đồng Nai, Long An
Sau giai đoạn trầm lắng, thị trường BĐS Long An, Đồng Nai thời gian qua đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ sự ấm lên của thị trường và lợi thế “sân sau” của trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước.
Tại Đồng Nai, hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới như đường cao tốc nối Tp. HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây đã khởi động, đặc biệt là Sân bay quốc tế Long Thành, đã tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 dự án bất động sản, trong đó có khoảng 10 dự án có vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Điển hình là Dự án Khu đô thị Waterfront quy mô gần 367 ha, có tổng vốn đầu tư đăng ký 750 triệu USD. Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 4/2008, thuộc Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng, TP. Biên Hòa. Chủ đầu tư hiện đã hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đang tiến hành xây dựng hạ tầng.
Hay hàng loạt dự án khác như Dự án Khu đô thị Aqua City, quy mô 305ha, tổng vốn đầu tư 519 triệu USD, Dự án Hoa Sen Đại Phước ở xã Đại Phước, Khu đô thị mới Đông Sài Gòn, Khu đô thị mới Phước An, Khu đô thị mới Nhơn Trạch, Khu dân cư xã Vĩnh Thanh, Dự án Sunflower City, dự án khu dân cư thương mại xã Long Tân - Phú Hội (huyện Nhơn Trạch)...
Bất động sản Bình Dương yên ắng, Long An, Đồng Nai sôi động
Tại Long An, nhiều dự án hạ tầng giao thông cũng đang được khởi động cạnh tuyến đường cao tốc Tp. HCM - Trung Lương đã đi vào khai thác. Với vị thế “yết hầu” của miền Tây Nam Bộ, thị trường BĐS Long An thời gian qua cũng tạo sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Điển hình như Phúc Khang Corp đầu tư Khu đô thị Làng Sen Việt Nam có quy mô hơn 50 ha, Trần Anh Group với Khu đô thị Bella Vista City, quy mô 75 ha, Nhà Thủ Đức với Khu đô thị Bến Lức, quy mô 73,1 ha, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao với Dự án Five Star Eco City, quy mô tới 200 ha và gần đầy nhất là thương vụ thu mua 3.734 ha đất tại Long An của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Sự “trầm lắng” của BĐS Bình Dương
Trái với không khí sôi động của Đồng Nai và Long An, thì thị trường BĐS Bình Dương thời gian qua hầu như trầm lắng.
Đầu năm 2014, thị trường này được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong năm 2016 nhờ sự kiện Bình Dương “dời đô” về trung tâm hành chính mới. Tuy nhiên, kể từ đó, thị trường BĐS Bình Dương gần như bị đóng băng. Những doanh nghiệp môi giới tên tuổi hàng đầu của thị trường này như Tấc Đất Tấc Vàng, Đất Xanh… hầu như “án binh bất động” trong việc chào bán sản phẩm ra thị trường.
Theo tìm hiểu, Bình Dương hiện có khoảng hơn 200 dự án bất động sản, trong đó phần nhiều do những doanh nghiệp “họ” Becamex làm chủ đầu tư, như Becamex IJC, Becamex TDC, Becamex ITC… Theo giám đốc một doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Bình Dương, nguyên nhân chính yếu tạo nên sự trầm lắng của thị trường bất động sản tại Bình Dương là quy định tạm ngưng việc bán quyền sử dụng đất cho khách hàng, chờ đến khi đất có sổ đỏ của chính quyền địa phương.
Thực tế, tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp đầu tư bị ngưng trệ hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp môi giới rời bỏ thị trường, trong khi hàng loạt nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bỏ tiền vào thị trường bất động sản Bình Dương trước đây bị “mắc cạn” vì không thể bán được hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có không ít nhà đầu tư đang rao bán cắt lỗ sản phẩm đã mua trước đó với mức lỗ 20 - 30%, nhưng vẫn không bán được.
Một nguyên nhân nữa khiến BĐS Bình Dương đánh mất niềm tin của giới đầu tư sản là bài toán đưa dân về ở các khu đô thị. Thành phố mới Bình Dương sau nhiều năm được hình thành, đến giờ vẫn vắng lặng, nhiều khu đô thị thị khác tại đây cũng đang rơi vào tình trạng nhà không người ở.