Cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, Đồng Nai đang là “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) bởi tiềm năng của thị trường này đã thấy rõ. Tuy nhiên, để thị trường BĐS ở Đồng Nai phát triển tương ứng với tiềm năng lại là một bài toán chưa dễ có câu trả lời.
Cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, Đồng Nai đang là “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) bởi tiềm năng của thị trường này đã thấy rõ. Tuy nhiên, để thị trường BĐS ở Đồng Nai phát triển tương ứng với tiềm năng lại là một bài toán chưa dễ có câu trả lời.
Hiện nay, Đồng Nai có 257 dự án khu dân cư, khu đô thị đang được quy hoạch đồng bộ, quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm ha tập trung phần lớn tại khu vực Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch. Các đô thị kiểu mẫu này sẽ dần thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương đồng thời tạo nên diện mạo mới của thị trường BĐS.
Nhận diện tiềm năng
Theo nguồn nghiên cứu Vietsees, trong dài hạn, thị trường BĐS Đồng Nai sẽ có tiềm năng vượt trội so với nhiều tỉnh thành khác: Bình Dương, BR-VT và cả TP HCM... Có nhiều yếu tố khiến thị trường BĐS này hấp dẫn các nhà đầu tư; trong đó, việc Đồng Nai sẽ là “sân sau” của TP HCM khi xu thế giãn dân ở TP HCM diễn ra mạnh mẽ; tốc độ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nhanh và sự phát triển về hạ tầng giao thông, các công trình, dự án trọng điểm là những lý do chính. Các chuyên gia cũng nhận định rằng, chính sách phát triển vùng của lãnh đạo tốt, vị trí địa lý hướng mở, khí hậu trong lành và có thể phát triển được nhiều loại hình nhà ở, đồng thời việc có nhiều KCN, khu dân cư mới với mặt bằng giá cả chỉ bằng 1/3 -1/4 so với các khu vực lân cận TP HCM cũng là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của thị trường BĐS Đồng Nai.
Một tổng kết gần đây cho thấy, Đồng Nai hiện sở hữu 5 con số ấn tượng: tiếp giáp 6 tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ: TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận, BR-VT giúp Đồng Nai có một vị trí chiến lược, là đầu mối giao thông trọng điểm với các trục quốc lộ 1A, 1K, quốc lộ 51, quốc lộ 20; năm 2008, GDP của Đồng Nai tăng 15,5% so với năm 2007, cao hơn gấp đôi mức bình quân cả nước, tổng thu ngân sách đạt trên 11.500 tỷ đồng, xếp thứ 5; với 34 KCN (tổng diện tích trên 11 ngàn ha), Đồng Nai đứng đầu cả nước về phát triển KCN, cụm công nghiệp; đứng thứ 4 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 15,4 tỷ đồng và hiện có 257 dự án khu dân cư, khu đô thị đang được quy hoạch.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm ở Đồng Nai đã được khởi công: Xây dựng cầu Đồng Nai 2, dự kiến thông xe vào năm 2010; dự án mở rộng quốc lộ 51 thành 6 làn xe; khởi động gói thầu số 1 dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; cảng Phước An; sân bay quốc tế Long Thành - một “thủ phủ hàng không” quốc tế đã giúp Đồng Nai kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển, hệ thống đường sắt và trong tương lai là đường hàng không. Mới đây, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2050, Đồng Nai được xác định là địa bàn quan trọng, sẽ là vùng đô thị, công nghệ kỹ thuật cao, là trung tâm dịch vụ, đào tạo - y tế, là vùng cảnh quan sinh thái rừng quốc gia, là cực đối trọng phía Đông TP HCM. Đây là vị trí chiến lược mà ít tỉnh có được.
Để không là "bánh vẽ”
Nhận diện được tiềm năng to lớn của thị trường BĐS trong tỉnh, nhiều DN hàng đầu trong ngành như: Sonadezi, Tín Nghĩa, Donacoop, D2D... đã nhanh tay triển khai nhiều dự án lớn với những khu đô thị, khu dân cư có quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm ha được quy hoạch đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng thu hút sự tham gia của các DN, đối tác đầu tư kinh doanh BĐS đến từ các tỉnh thành trong cả nước và quốc tế như HUD, UDICO, LICOGI, Berjayar, VinaCapital, Keppel Land... Với hàng loạt dự án BĐS có quy mô lớn đang được tích cực triển khai.
Tuy nhiên, chính quyền và DN Đồng Nai còn nhiều việc phải làm để tiềm năng này thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư và để thị trường BĐS phát triển tương xứng và không phải là một “cái bánh vẽ”. Hiện có nhiều dự án đã được triển khai và chào bán nhưng khách hàng chưa thực sự mặn mà với thị trường này. Nhiều chuyên gia nhận định, sự phát triển của thị trường BĐS Đồng Nai phải gắn liền với yếu tố đồng bộ và phát triển bền vững. Hiện nay, rào cản lớn nhất của thị trường này nằm ở sự ô nhiễm môi trường nặng nề - hệ quả của sự phát triển công nghiệp và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Để sản phẩm BĐS thực sự hấp dẫn nhà đầu tư và đáp ứng được nhu cầu an cư của người dân, trước hết, Đồng Nai phải khắc phục được yếu tố này. Bên cạnh đó, việc triển khai đồng bộ cơ sở hạ tầng gắn liền với các dự án là một yếu tố tiên quyết, trong đó phải tính đến cả việc xây dựng các dự án giao thông phụ là các đường nhỏ, đường nội bộ bên cạnh các tuyến giao thông huyết mạch. Đồng thời, việc công bố quy hoạch tổng thể, chi tiết của từng khu vực gắn với dự án cũng là một yếu tố giúp các nhà đầu tư dễ cân nhắc, lựa chọn và quyết định đúng đắn.
(Theo DĐDN)