Là một trong những thị trường trọng điểm của bất động sản (BĐS) Hà Nội giai đoạn 2015-2016, hiện thị trường BĐS huyện Hoài Đức đang có những diễn biến lạ trước thông tin được lên quận vào năm 2020.
Câu chuyện Từ Liêm lên quận
Trước năm 2013, mặc dù chưa được nâng cấp lên quận, song với vị trí giáp ranh, khu vực Từ Liêm đã là một trong những điểm “nóng” của thị trường BĐS Hà Nội.
Tại thời điểm “bong bóng” BĐS bùng nổ (trước năm 2011), BĐS Từ Liêm tại các khu vực như Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn… tăng giá vùn vụt, thậm chí có giá bán không thua kém BĐS tại các khu vực thuộc quận Thanh Xuân, Cầu Giấy. Được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng trước và sau khi lên quận, BĐS Từ Liêm càng có nhiều chuyển biến tích cực, ngay cả khi thị trường địa ốc Hà Nội rơi vào khó khăn và giao dịch “đóng băng”.
Giai đoạn những năm 2014-2015, thị trường BĐS Hà Nội hồi phục, Từ Liêm (lúc này đã được chia thành quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm) chính là khu vực có sự tăng trưởng sớm và nhanh nhất với thanh khoản, giá bán đều tăng nhanh hơn các khu vực khác của Hà Nội. Đây cũng là khu vực có nguồn cung sản phẩm BĐS lớn và phong phú nhất, từ phân khúc cao cấp đến trung bình, căn hộ, đất nền.
Đất nền khu vực Hoài Đức đang nóng lên từng ngày
BĐS Hoài Đức đang diễn biến lạ?
Không “thuận buồm xuôi gió” như thị trường BĐS Từ Liêm trước khi lên quận, BĐS tại Hoài Đức có khá nhiều thăng trầm, song vẫn có không ít điểm tương đồng. Đơn cử, hạ tầng giao thông tại Hoài Đức được đầu tư tốt nên phát triển mạnh mẽ, nhiều dự án được quy hoạch. Các dự án tại khu vực Lê Trọng Tấn hay Bắc An Khánh, giá BĐS đã tăng vọt, đạt khoảng 70-90 triệu đồng/m2 (tương đương với giá đất nền tại quận Từ Liêm, Cầu Giấy) trong "cơn sốt" đất trước năm 2011.
Sau năm 2011, bong bóng nhà đất Hà Nội xì hơi khiến giá BĐS nhiều khu vực tại Hoài Đức giảm 40-50% giá trị. Nhưng bước sang giai đoạn 2015-2016, BĐS tại các khu vực này đã hồi phục nhanh hơn so với thị trường chung với hàng loạt dự án được triển khai xây dựng và chào bán ra thị trường. Ví dụ: tổ hợp Gemek Tower, Gemek Premium Khu đô thị Lê Trọng Tấn; dự án Khu đô thị Nam đường 32; tổ hợp Thăng Long Victory, The Golden An Khánh; dự án Splendora; dự án Khu đô thị Nam An Khánh; hay Vinhomes Thăng Long của Vingroup.
Theo ông Lại Văn Tư, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Phúc Hà, với việc triển khai hàng loạt dự án chung cư, Hoài Đức trở thành khu vực năng động, có nguồn cung căn hộ bình dân lớn nhất Hà Nội hiện nay.
Ông Tư tính toán, giá căn hộ thương mại tại khu vực An Khánh đã tăng trên 10% trong năm 2015. Ông Tư tin rằng, với việc Hoài Đức sẽ lên quận, hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh trong thời gian tới, đẩy giá nhà đất tại khu vực này tiếp tục tăng nhanh.
Anh Nguyễn Danh Tuấn, đại diện Sàn giao dịch BĐS Hà Thành - đơn vị chuyên phân phối đất nền khu vực Anh Khánh – An Thượng cho hay, giá đất nền khu vực này đang hồi phục rất nhanh và thanh khoản được cải thiện đáng kể.
Theo đại diện Sàn giao dịch BĐS Hà Thành, việc Vingroup đầu tư dự án đầu tiên tại Hoài Đức là Vinhomes Thăng Long và mở bán với giá cao hơn giá trung bình các dự án trong khu vực đã đẩy giá đất nền các dự án lân cận tăng khoảng 30-40% chỉ trong một năm qua. Thông tin Hoài Đức lên quận vào năm 2020 và nhiều tuyến giao thông mới được quy hoạch, đầu tư để nâng cấp hạ tầng cho Hoài Đức khi lên quận, có tác động rất tích cực tới thị trường đất nền tại đây.
Môi giới này cho biết thêm, nhiều nhà đầu tư đang âm thầm thu gom đất nền dự án và cả đất nền thổ cư tại nhiều khu vực ở Hoài Đức như An Khánh, Lại Yên, Song Phương, An Thượng,… để chờ tăng giá khiến thanh khoản tại đây diễn ra sôi động. Việc nhà đầu tư thu gom BĐS, đặc biệt là đất nền trước khi có sự thay đổi về cơ cấu hành chính đã trở thành quy luật từng diễn ra tại nhiều khu vực thuộc quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.
Có thể thấy, việc giá nhà đất khu vực Hoài Đức đang gia tăng nhanh chóng là có thực và đã có không ít nhà đầu tư kiếm “bộn” nhờ sớm nhập cuộc thu gom được quỹ đất tốt khi giá bán còn rất rẻ. Song, đà tăng nóng như hiện nay cũng là lời cảnh báo rủi ro rất lớn cho những người mua hàng cuối cùng, vì câu chuyện các cò nhà đất “mua tay trái, bán tay phải” nhằm nâng giá kiếm lời không phải không từng diễn ra với BĐS vùng ven.