Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn tồn kho 860 căn hộ và 66.497m2 diện tích đất nền, số liệu từ Sở Xây dựng Bình Dương.
Địa ốc Bình Dương tồn kho, vắng khách mua
Trong đó, có 5 dự án với 335 căn hộ chung cư tại dự án nhà ở đã xây xong phần thô hoặc hoàn thiện; 17 dự án với 525 căn nhà ở thấp tầng đã xây dựng xong phần thô là 17 dự án, với 525 căn.
Theo Sở Xây dựng, các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh phát triển một cách tự phát, dẫn đến cung vượt xa cầu dẫn. Ngoài ra cơ cấu sản phẩm BĐS chưa hợp lý, sản phẩm BĐS cao cấp và trung bình thừa nguồn cung, còn BĐS bình dân đáp ứng nhu cầu của người dân lại thiếu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn kho địa ốc cao.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho BĐS chủ yếu dựa vào vốn vay và vốn góp của người mua, chủ đầu tư phần lớn có vốn sở hữu thấp, không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án khi tín dụng BĐS thắt chặt, lãi suất cao.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều sàn giao dịch BĐS cho biết, hầu hết các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh có giá bán trên 15-20 triệu đồng/m2. Mức giá này được đánh giá là khá cao so với thu nhập của người dân, phần lớn vẫn là nhà đầu tư thứ cấp đến từ Hà Nội, Tp.HCM “gom” cho thuê lại với giá 8-10 triệu đồng/tháng.
Thêm vào đó, dù đã được tỉnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông nhưng những khu dân cư đã hình thành lại gần như không có tiện ích nội khu thích hợp nên khó thu hút được người dân về sinh sống.
Hàng loạt dịch vụ nhà đất đã “ngủ đông” vì không có khách hàng. Nhiều dịch vụ có mở cửa thì cũng không nhận “hàng” BĐS ký gửi dù được trả hoa hồng cao.
Các sàn giao dịch BĐS ngay cổng ra vào khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Khu Thành phố mới Bình Dương vắng tanh, văn phòng giao dịch của công ty TDC hay Tất Đất Tất Vàng lác đác người đến tìm hiểu dự án…
Trước tình trạng trên, Sở Xây dựng Bình Dương sẽ kiến nghị Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS tỉnh tác động tới Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại, chỉ đạo các sở, ngành có chức năng phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.
Đối với những địa phương có nhiều dự án đang triển khai nhưng tiêu thụ chậm, cầm chừng, tồn kho BĐS nhiều sẽ có biện pháp hạn chế việc đầu tư mới, nhằm quản lý thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh.