Bị tác động bởi cơn sốt địa ốc, có vẻ nhiều nhà đầu tư chứng khoán đang tìm cách rút vốn khỏi thị trường để tìm hướng đầu tư vào đất đai.
Bị tác động bởi cơn sốt địa ốc, có vẻ nhiều nhà đầu tư chứng khoán đang tìm cách rút vốn khỏi thị trường để tìm hướng đầu tư vào đất đai.
Ông Trịnh Hoàng Nam, Trưởng phòng môi giới Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết: “Mấy ngày qua, lượng khách hàng mở tài khoản mới không nhiều như tháng trước, ngược lại có một số khách hàng đóng tài khoản. Tôi không rõ lý do nhưng rất có thể họ đang chạy theo cơn sốt địa ốc”.
Hai ngày qua tại hai sàn ACBS, SSI (TP HCM), có khoảng hơn 20 khách hàng đóng tài khoản. Một trong số đó là anh Nguyễn Hoàng Nam (sàn SSI) quyết định rút hơn 600 triệu về. Lý giải về việc này, anh Nam cho rằng mình không chạy theo phong trào lùng mua đất, căn hộ vì anh đã mua từ tháng 11/2006, nay đến thời hạn trả tiền. "Căn hộ ở khu Phú Mỹ (quận 7) đang lên mà chứng khoán thì trồi sụt bất thường nên tôi tạm nghỉ, dồn tiền vào địa ốc đã”, anh nói.
Tại các công ty chứng khoán An Bình, Đông Á, VCBS... tình trạng khách hàng đóng tài khoản từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng cũng xảy ra liên tục từ cuối tháng 3 đến nay. Một lãnh đạo Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) nói: “Có khách hàng đóng tài khoản và chuyển thẳng sang mua các dự án địa ốc của Sacombank với số tiền lên đến 3,5 tỷ”.
Tuy nhiên, khách hàng tạm ngừng lên sàn thường là nhà đầu tư cá nhân, còn các tổ chức và nhà đầu tư lớn vẫn còn bám trụ chờ giá. Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, nhận định: “Bất cứ quỹ đầu tư, tổ chức hay nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp nào cũng đều cơ cấu rõ ràng danh mục của mình. Họ biết dành bao nhiêu phần trăm cho chứng khoán, địa ốc hay các ngành kinh doanh khác chứ không bao giờ “bỏ trứng cùng một giỏ”. Chỉ có những nhà đầu tư vốn ít vài ba tỷ mới phải nghỉ cái này để đổ vốn vào cái khác”.
“Triết lý kinh doanh của tôi là mua khi thiên hạ thi nhau bán và bán khi mọi người đổ xô mua, những phiên giảm giá là lúc mua thuận tiện và rẻ nhất”, một nhà đầu tư ở phường 15, quận Bình Thạnh, Tp.HCM giải thích lý do ông quyết định bỏ thêm 1 tỷ đồng vào tài khoản chứng khoán của mình tại SBS. Ông hoàn toàn có lý khi phiên sáng 4/4, VN-Index tăng 23,37 điểm và ông cười: “So với phiên 2/4 tôi lãi khoảng 127 triệu”. Chuyên gia chứng khoán Bùi Ngọc Tước cũng cho rằng: “Đầu tư chứng khoán phải tỉnh táo và khôn ngoan vì khi thị trường tụt dốc vẫn có cơ hội lớn. Nếu chứng khoán nóng, bán nhà nhảy vào và khi nguội lại bán chứng khoán đổ xô đi mua nhà thì coi chừng ăn dần vào đuôi".
Tuy nhiên, các nhà đầu tư “bỏ sàn sang nhà đất” lại có lý riêng của họ. Chị Đặng Thị Thu Hà, một nhà đầu tư có “số má” tại sàn VCBS vừa đặt mua 6 căn hộ tại dự án V- Star (quận 7, Tp.HCM) cho hay: "Tôi có rút bớt 3 tỷ từ chứng khoán mua một mảnh đất tại Phú Mỹ Hưng và 2 căn hộ quanh khu này, vừa qua tôi bán hết, lãi 1,4 tỷ. Thử hỏi với tình hình này, chơi chứng khoán đến bao giờ lời được như vậy? Có khi còn âm vốn ấy chứ”.
Hậm hực vì chưa bán được 10.000 cổ phiếu SAM, ông Vũ Anh Tuấn (Công ty vận tải biển Sài Gòn) lớn tiếng: “Ai bảo sốt ảo cứ nhảy vào thì biết, tranh nhau mua thật, lãi thật. Chậm chân chỉ có uống nước đục. Chứng khoán hạ nhiệt thì tiền đổ vào địa ốc chứ đổ đi đâu”.
Ông Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng cũng thừa nhận: “Sắp tới, chúng tôi tung ra bán hơn 500 căn hộ tại dự án Phú Mỹ Thuận cũng nhắm đến lượng khách hàng kiếm lợi lớn từ chứng khoán nhảy qua”.
Kẻ trụ lại sàn, người bỏ sang kinh doanh địa ốc, ai cũng có lý của mình, nhưng thực tế thị trường cho thấy kinh doanh địa ốc kiếm lãi nhanh hơn và nói như ông Tuấn thì: “Có lỗ cũng còn chỗ mà ở, chứ ôm mớ giấy cổ phiếu có khi bán chẳng ai mua”. Tuy vậy, nếu lại tạo ra một phong trào dồn vốn vào địa ốc và chỉ có các nhà đầu tư mua bán với nhau thì cơn sốt “ảo” không chỉ là cảnh báo suông.
“Chứng khoán hay địa ốc thì đều cần cái đầu tỉnh táo, khôn ngoan và không hùa theo đám đông”, ông Huy Nam một chuyên gia chứng khoán khuyên.
(Theo Tiền Phong)