Đó là thông tin Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sáng ngày 5/6.
Đó là thông tin Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sáng ngày 5/6.
Tìm đầu ra cho thị trường
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện có hai loại đối tượng DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn do thị trường “đóng băng” kéo dài. Thứ nhất là các DN triển khai thực hiện dự án hoàn toàn phụ thuộc vào vốn vay của ngân hàng. Các DN này hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay do hệ thống ngân hàng phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tiết giảm cho vay đối với cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà.
Thứ hai là các DN hoạt động dựa vào nguồn vốn huy động của người mua. Đến thời điểm này, tiền thu được đã chi hết cho các thủ tục giải phóng mặt bằng, thiết kế và phê duyệt dự án… nên không còn khả năng tiếp tục triển khai dự án nhưng cũng không thể huy động thêm từ người mua do tiến độ không đảm bảo. Nay nếu muốn triển khai dự án, DN buộc phải đi vay ngân hàng nhưng cũng khó khăn do lãi suất cao.
Bộ trưởng Dũng chỉ ra hiện tượng dư thừa sản phẩm bất động sản do “lệch pha” với nhu cầu của thị trường. Trong một thời gian dài, các DN chỉ chú trọng đến phân khúc nhà ở cao cấp, có giá thành cao, không phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân có thu nhập trung bình. Khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, khách hàng đã quay lưng lại với các sản phẩm không phù hợp trên dẫn đến đầu ra của các DN rất khó khăn. Hậu quả của tình trạng trên là nhiều DN đang rơi vào tình cảnh nợ nần, ngừng hoạt động hoặc có nguy cơ phá sản. Điều này dẫn đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên, trong khi người lao động trong các DN bất động sản cũng như các lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép… có nguy cơ thất nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Bộ trưởng Dũng cho rằng, cần tạo kênh tín dụng để cung cấp vốn cho thị trường với lãi suất thấp cho DN cũng như người có nhu cầu mua nhà để tháo gỡ đầu ra cho DN.
Đối với các DN, Bộ trưởng Dũng đưa ra lời khuyên phải bình tình để nhận định và đánh giá một cách tổng thể mặt được và chưa được trong hoạt động của DN thời gian qua, từ đó, tìm được giải pháp để khắc phục. “DN bất động sản cần khôn ngoan hơn trong việc lựa chọn giải pháp để vượt qua thời điểm khó khăn này. Cụ thể, cần cơ cấu lại sản phẩm, tính toán lại giá thành cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, nếu cần vốn thì phải tính đến phương án liên doanh, liên kết hoặc mua bán, sáp nhập lại với nhau để tạo ra sức mạnh về tài chính. Trong trường hợp có nhiều dự án đang dang dở thì cần mạnh dạn quyết định bán bớt dự án để tập trung cho những dự án trọng điểm có khả năng thu hồi vốn cao… Tóm lại, DN phải cam đảm đưa ra các quyết định khi đã được cân nhắc kỹ càng để vượt qua khó khăn”, ông Dũng nói.
Căn hộ 25 m2 là nhu cầu thực tế
Trả lời câu hỏi về việc Bộ Xây dựng kiến nghị cho phép xây dựng căn hộ 25 m2 trái với quy định của Luật Nhà ở, Bộ trưởng Dũng cho biết, theo Luật Nhà ở 2005, quy định nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 45 m2; nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 30 m2, tối đa là 60 m2. “Luật Nhà ở khi đó chưa đề cập hết được những yếu tố tác động đến yêu cầu phát triển nhà ở và diện tích nhà ở”, Bộ trưởng Dũng đánh giá.
Bộ trưởng Dũng phân tích, theo số liệu điều tra dân số công bố tháng 4/2009, xu hướng cơ cấu hộ gia đình là giảm số người trong hộ, chẳng hạn như năm 1999, bình quân là 4,5 người/hộ, đến năm 2009 chỉ còn 3,7 người/hộ. Cũng theo thống kê, hiện có khoảng 6,9 triệu hộ gia đình ở khu vực đô thị. Trong đó, hộ có số người từ 4 trở lên là khoảng 52,6%, số hộ có từ 3 người trở xuống là 47,4%, hộ độc thân chiếm 8,3%). Theo ông Dũng, căn có diện tích vừa phải, giá rẻ, phù hợp với khả năng thanh toán là mong ước của rất nhiều người dân. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp này và chuẩn bị đưa vào dự thảo Nghị định để trình Chính phủ giải quyết cũng là để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
(Theo ĐTCK)