Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này, những rắc rối về “giấy đỏ”, “giấy hồng” sẽ kết thúc.
Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này, những rắc rối về “giấy đỏ”, “giấy hồng” sẽ kết thúc.
Nhiều vướng mắc sẽ được giải quyết nhưng vẫn còn không ít việc phải làm. Sẽ xử lý thế nào với những hộ đã ở ổn định nhưng không đủ tiêu chuẩn cấp giấy cũng đang là một thắc mắc lớn của dư luận.
Đất vi phạm quy hoạch: Tình đúng, lý sai!
Khi Nghị định 84/2007/NĐ- CP về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được Chính phủ ban hành (ngày 25/5/2007), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực lúc đó đã nói: “Hầu như tất cả những vấn đề mà người dân, nhà đầu tư, cơ quan quản lý về đất đai đặt ra, thắc mắc sau gần 3 năm thi hành Luật Đất đai đã được giải quyết trong Nghị định này”.
Tuy nhiên, vẫn có những hộ đã ở ổn định, không có tranh chấp, đóng thuế đất đầy đủ nhưng vẫn không đủ tiêu chuẩn để cấp sổ theo Nghị định 84 do vi phạm quy hoạch. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Nghị định 84 những hộ này sẽ vẫn được “ở tạm” cho đến khi Nhà nước có quyết định thu hồi. Sự khác biệt lớn nhất giữa những hộ này và các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đó là việc đền bù khi Nhà nước thu hồi đất.
Thực tế là ở các khu đô thị, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có không ít đất thuộc loại này. Nó vẫn được người ta mua bán, chuyển nhượng trao tay và là nguyên nhân của nhiều rắc rối. Ông Đặng Hùng Võ thừa nhận, trong trường hợp này người dân đúng là “tình ngay lý gian”. Nhà nước đúng khi không cấp giấy chứng nhận, nhưng họ cũng có lỗi do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền cơ sở. Theo thông lệ của Ngân hàng Thế giới, khi người dân đã công khai ở và đã được chính quyền đồng ý tức là đã được nghiễm nhiên thừa nhận quyền sử dụng mảnh đất đó. “Nhưng ta thì có lẽ chưa làm được vậy”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Thống nhất một sổ, Bộ nào cấp?
Dự kiến trong phiên thảo luận chung ngày 5/6 tới, Quốc hội sẽ quyết định có thông qua hay không việc gộp hai loại sổ, “sổ đỏ” và “sổ hồng”. Đây là quyết định được dư luận rất quan tâm.
Năm 2003, Luật Đất đai ra đời có quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thường được gọi tắt là “sổ đỏ”. Loại giấy này do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Sau đó, đến năm 2005, Quốc hội thông qua Luật Nhà ở quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, thường được gọi tắt là “sổ hồng”, do Bộ Xây dựng ban hành. Rắc rối bắt đầu từ đây khi đất đai và tài sản gắn liền với đất lại có hai loại giấy chứng nhận khác nhau, do hai Bộ cấp.
Theo ông Đặng Hùng Võ, việc này gây phiền hà cho người dân khi cùng một loại tài sản mà lại phải đăng ký ở hai nơi. Nhưng đồng thời, nó cũng gây khó khăn cho nhà quản lý khi sẽ có những kẽ hở được tạo ra từ hai hệ thống đăng ký của hai Bộ. “Chúng tôi đã đề xuất việc thống nhất một giấy từ năm 1994”, ông Võ nói.
Đến năm 2007, Quốc hội ra Nghị quyết thống nhất gộp hai loại sổ. Khi đó lại phát sinh vấn đề là thống nhất một giấy thì do Bộ nào cấp? Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Xây dựng? Ông Võ cho rằng, nên để cho Bộ Tư pháp làm việc này là phù hợp nhất. Cũng theo ông Võ, việc để các Bộ ban hành giấy như hiện nay cũng là một điều bất hợp lý. Đáng lẽ việc này có thể giao cho các địa phương, thậm chí là doanh nghiệp làm. Nhà nước chỉ có trách nhiệm ban hành một mẫu chung, như vậy sẽ tránh được nhiều phiền phức và các Bộ cũng không ngày một “phình to” ra như hiện nay.
Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị việc gộp hai “sổ hồng” (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà) và “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) làm một và lấy tên là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, để thể hiện hai nội dung chủ yếu là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã được quy định trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Việc cấp giấy chứng nhận này là không bắt buộc, chỉ cấp khi chủ sở hữu có yêu cầu. Khi cấp, cần phải thống nhất trong một loại giấy tờ. Nếu chủ sở hữu đủ điều kiện nào, cấp giấy chứng nhận ở phạm vi đó.
(Theo GĐXH)